Nếu bạn muốn thi điểm cao, hãy học ngữ pháp, còn nếu bạn muốn nói được tiếng Anh thành thạo, hãy cố gắng để học tiếng Anh mà không học nhiều ngữ pháp!
1. Đừng học ngữ pháp quá nhiều
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất. Nếu bạn muốn thi điểm cao, hãy học ngữ pháp, còn nếu bạn muốn nói được tiếng Anh thành thạo, hãy cố gắng để học tiếng Anh mà không học nhiều ngữ pháp!
Học nhiều ngữ pháp sẽ làm chậm quá trình giao tiếp của bạn. Khi nói bạn sẽ nghĩ về các nguyên tắc ngữ pháp để tạo thành câu thay vì nói một cách tự nhiên như người bản ngữ. Nên nhớ rằng rất ít người nói tiếng Anh biết quá 20% các nguyên tắc ngữ pháp. Thực tế là nhiều học sinh Việt Nam biết nhiều ngữ pháp hơn cả người bản ngữ nhưng lại không nói được một câu tiếng Anh trôi chảy!
Ví dụ, khi bạn học nói Tiếng Anh qua phim ảnh, hay học nói qua việc giao tiếp với người bản xứ, bạn đừng chăm chăm ghi chép hay định hình mẫu câu họ nói. Hãy chỉ cố nắm bắt ý, và nếu có thể, hãy diễn đạt lại ý của họ theo cách hiểu của mình (nếu có thời gian tự luyện tập). Người bản xứ, thực sự, khi giao tiếp, họ cũng không dùng quá nhiều mẫu câu phức tạp như gián tiếp, bị động, giả thiết nếu thì… đâu, họ thường chỉ dùng vài thì nhất định: hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, tương lai gần, tương lai đơn… Bạn có để ý không? Khi nghe họ nói, nhiều khi chúng ta chỉ nắm bắt “key word” và ngược lại, người nước ngoài cũng vậy, họ sẽ nắm bắt “key word” trong câu bạn nói để giao tiếp, chứ không quá chú trọng bạn đặt câu “văn hoa”, “bay bổng” thế nào?
Để nói được Tiếng Anh, hay đơn giản là diễn đạt được ý muốn của mình, bạn có thể linh hoạt các cách nói. Đầu tiên, tất nhiên sẽ chỉ nói rất đơn giản, chưa hay, nhưng khi bạn thấy mình nói được, người nghe hiểu được, thì lúc đó, bạn sẽ thấy có động lực hơn nhiều, và thấy Tiếng Anh không đáng sợ như bạn từng nghĩ. Đầu tiên cứ như vậy đã, sau đó, bạn có thể học được nhiều cách nói ý nhị hơn, hài hước và tự nhiên hơn.
Mình lấy ví dụ đơn giản, như khi bạn muốn diễn đạt ý “Bạn có thấy khó chịu về giao thông ở Việt Nam không?”. Trong lúc nói, bạn không nghĩ ngay ra từ “khó chịu” như bạn nghĩ trong đầu, vậy thì chúng ta có thể linh hoạt thay bằng các cách diễn đạt khác, đơn giản hơn, nhưng vẫn có ý như vậy. “Do you like the traffic in Vietnam?”, “Are you used to moving in the street in Vietnam?” hay thậm chí là “How do you feel about the traffic in Vietnam?”… Dù các cách diễn đạt khác nhau, câu trả lời bạn nhận được vẫn sẽ đúng ý mà bạn cần nghe. Nếu không thích, hay khó chịu, họ sẽ phàn nàn. Nếu thích, họ sẽ tươi cười khen. Mình từng gặp một vài người bạn nước ngoài, họ nói “tắc đường” như đặc sản của Việt Nam vậy, và ở Việt Nam có nhiều cây xanh, nên đợi tắc đường cũng rất vui, có thời gian để ngắm nhìn mọi người xung quanh. Cuộc sống như ngừng lại vài giây vậy.
Ở đây, mình đang chủ yếu đang hướng tới Tiếng Anh giao tiếp đời sống hằng ngày bạn nhé, miễn là bạn phát âm chuẩn để người nghe hiểu, còn ngữ pháp không thực sự quan trọng, vì đối phương thường sẽ dựa vào hoàn cảnh (context) để hiểu. Còn trong một số bài thi nói, ví dụ như Ielts chẳng hạn, các giám khảo sẽ đánh giá rất kĩ ngữ pháp từng câu. Để đạt điểm cao các kì thi nói như vậy, bạn nên đảm bảo mình dùng đúng ngữ pháp trước khi cố gắng sử dụng những mẫu câu đa dạng.
2. Học cụm từ
Đa số các bạn hay cố nhớ các từ vựng riêng lẻ, sau đấy dùng quy tắc ngữ pháp để nối từ đặt câu, nhưng có vẻ rất khó khăn bạn để đặt một câu chính xác mà không toát mồ hôi! Thật ngạc nhiên là nhiều bạn biết rất nhiều từ vựng nhưng lại không thể nói một câu tiếng Anh. Lý do có lẽ là các bạn không bao giờ học cụm từ. Khi trẻ em học ngôn ngữ, chúng học cả từ và cụm từ. Tương tự, bạn cần học cả cụm từ. (Ví dụ: I used to.. tôi thường làm gì đó trong quá khứ.: I used to play soccer when I was in high school, I used to swim in the river near my house, ect)
Không chỉ học cụm, mà như bạn thấy, Tiếng anh có cực, cực nhiều câu và ngữ cố định, như kiểu chỉ cần trong trường hợp phù hợp, là họ dùng luôn câu đó. Cũng như trong Tiếng Việt mình, hay có câu “Đùa à?”, tiếng Anh có “Are you kidding me?”… Đó là ví dụ tiêu biểu cho việc học cả câu, cụm, mà nhiều bạn vẫn áp dụng khá thành công.
Khi diễn đạt sự ngạc nhiên, không tin nổi, người nước ngoài có một vài ngữ cố định rất hay dùng: “Unbelieveable”, “Awesome” ,”Amazing”… (các tính từ cảm thán) hay “Shut up”, “ Are you kidding?”, “Impossible”, “Get out of here”… Bạn có thể học sẵn vài cách, để khi tới lúc nghe được thông tin kinh ngạc, có thể ố á “rất Tây” và tự nhiên như người bản xứ. J Cách này áp dụng cả cho các trường hợp khác: câu chào hỏi, câu khen, câu phàn nàn, … Học được các câu, cụm từ, ngữ cố đinh sẵn trong càng nhiều trường hợp càng tốt, bạn sẽ phản ứng tự nhiên hơn, và có thời gian “câu kéo” để nghĩ ý muốn nói tiếp theo.
Nhân tiện, không chỉ riêng người học tiếng, mà tới cả người bản xứ, cũng có lúc bối rối, không biết diễn đạt ý như thế nào, bạn có thể học một vài cụm từ “câu giờ” để tránh cuộc giao tiếp rơi vào im lặng. Ví dụ như: “well” , “you know”, “what can i say?”, “um,” “i don’t know how to say?”…
*** Chú ý: Đừng dịch từ Việt sang Anh
Khi bạn tạo một câu tiếng Anh, đừng dịch từ tiếng Việt sang. Tôi biết điều này rất khó, bởi bạn có thói quen dịch khi nói tiếng Anh từ khi bạn bắt đầu học nói tiếng Anh. Lời khuyên của tôi là bạn tập học cụm từ và câu để không phải nghĩ nhiều về những gì bạn định nói.
3. Tự tạo môi trường tiếng Anh
Việc bạn nói được một ngoại ngữ không liên quan gì đến việc bạn có thông minh hay không. Bất cứ ai cũng có thể học nói bất cứ ngôn ngữ nào, giống như việc chúng ta đều có thể nói được tiếng Việt thành thạo. Dù bạn thông minh hay không, dù bạn giỏi hay không, bạn vẫn có thể nói ít nhất một ngôn ngữ.
Tuy nhiên, điều này chỉ có thể khi bạn ở trong một môi trường mà nhiều người cùng nói một ngôn ngữ và bạn được nghe ngôn ngữ đó quá nhiều đến mức việc bắt chước và nói được hoàn toàn tự nhiên và dễ dàng, chẳng hạn như việc bạn nghe thấy mọi người nói tiếng Việt và bạn bắt đầu tập nói tiếng Việt. Đơn giản? Việc học tiếng Anh cũng vậy, chỉ cần có một môi trường mọi người nói tiếng Anh và bạn tập nói tiếng Anh thì chẳng mấy bạn sẽ nói được tiếng Anh thành thạo.
Nếu không có điều kiện ra nước ngoài hay đến một cơ sở dạy tiếng Anh, bạn có thể tự tạo môi trường cho mình bằng cách nghe và đọc qua Internet, truyên hình, radio, hay bất cứ phương tiện nào sử dụng tiếng Anh. Bạn có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi, lúc tập thể dục, lúc lái xe.. để nghe hoặc đọc tiếng Anh. Nghe liên tục, đọc liên tục sẽ giúp bạn tiến bộ rất nhanh
4. Lựa chọn đúng tài liệu
Bạn thường hay nghe “practice makes perfect”. Điêu này chưa hẳn đúng. Luyện tập làm cho bạn quen với điều bạn luyện tập, và sẽ rất nguy hiểm nếu bạn luyện tập sai. Giống như việc phát âm sai sẽ rất khó sửa, các kỹ năng còn lại cũng vậy và việc bạn luyện tập theo nguồn tài liệu chính xác rất quan trọng.
Tôi thường thấy nhiều học sinh học tiếng Anh bằng cách nghe tin tức. Điều này tốt, tuy nhiên ngôn ngữ trong tin tức thì trang trọng và nội dung thì mang tính chính trị nhiều hơn ngôn ngữ dùng trong cuộc sống hàng ngày. Những bài học qua tin tức này khá nâng cao và nên được học sau khi bạn đã thành thạo những thứ cơ bản.
Học ngôn ngữ với một người bạn không phải là người bản ngữ sẽ có cả lợi và hại. Bạn sẽ có người để cùng thực hành và giúp nhau sửa lỗi sai. Nhưng bạn cũng rất có thể bắt chước lỗi sai của bạn mình. Nếu thực hành cùng một người Việt bạn cũng nên chọn bạn học cho phù hợp.
Để tập nói được tiếng Anh bạn không nên chọn tài liệu khó để nghe mà nên nghe từ dễ đến khó, nghe đi nghe lại để hiểu được khoảng 90% và có thể bắt chước theo. Bạn cũng nên chọn lọc tài liệu nghe, nên đa dạng và làm cho bạn thấy hứng thú (nghe nhạc, thơ nước ngoài cũng là ý kiến hay). Đừng ép mình nghe những thứ gây buồn ngủ, những thứ bạn không quan tâm, không thực sự muốn nghe.
Một số đài mà theo mình là chuẩn, mức độ khó ở cấp trung bình tới nâng cao là: VOA, BBC (Anh- Anh), CNN (Anh- Mỹ), .. Đây là các đài chính thống, tất nhiên giọng chuẩn, nhưng hơi khó để theo kịp nếu bạn là người mới bắt đầu. Bạn có thể bắt đầu từ những trang đơn giản hơn, hoặc học nói từ đoạn ngắn trong các webs kể trên, nghe 1-2 câu, pause rồi nói lại theo nguyên bản, sau đó diễn đạt bằng ý mình hiểu. Một câu họ nói, mình có thể diễn đạt lại bằng 2-3 câu không sao, dần dần học cách rút ngắn lại, tới lúc càng súc tích mà vẫn không mất ý càng tốt. Hơi khó khăn nhưng không phải là không thể, vì bạn đang tự luyện tập, và không ai chê cười người đang cố gắng cả.
Khoa Ngoại Ngữ sưu tầm.