Những việc nên làm đầu năm để mang lại may mắn

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đây không những là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn là dịp để mọi người cầu mong những điều mới mẻ, tốt đẹp và gạt bỏ những chuyện không vui trong quá khứ. Những ngày đầu năm rất quan trọng bởi vì theo quan niệm dân gian từ bao đời nay, những việc làm vào dịp đầu năm sẽ quyết định đến vận hạn cả năm. Vì thế, người Việt Nam thường có những tập tục nên làm vào ngày đầu năm để có thể mang lại may mắn cả năm. Hãy cùng tìm hiểu các tập tục này trong bài viết dưới đây nhé!

Xin chữ đầu năm

Tục xin chữ - cho chữ là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt, được cho là bắt nguồn từ các bậc nho sĩ, thầy đồ và thể hiện sự hiếu học, trân trọng tri thức của người Việt Nam từ bao đời nay. Mọi người đi xin chữ đầu năm với nhiều mục đích khác nhau, nhưng đều có chung hy vọng những chữ mà mình xin được sẽ mang đến thật nhiều tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Một số chữ được xin phổ biến đầu năm mới như Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn, Tâm, Đức, Tài. Các chữ xin về thường được treo ở những khu vực quan trọng trong nhà không chỉ để trang trí vào dịp Tết mà còn thể hiện mong ước một năm mới an khang thịnh vượng của gia chủ. 

Hình 1. Xin chữ đầu năm

Lì xì

Phong tục lì xì là phong tục không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt. Phong tục này được tương truyền rằng có nguồn gốc từ Trung Hoa và ngày nay phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tương truyền rằng có một con quỷ rất thích xoa đầu những đứa trẻ vào đêm giao thừa và những đứa trẻ nào mà nó xoa đầu sẽ bị sốt cao và dần trở nên ngốc nghếch. Tuy nhiên, một ngày nọ, khi con quỷ định xoa đầu một đứa trẻ thì tình cờ có tám vị tiên đi ngang qua. Các vị tiên đã quyết định giải cứu cậu bé bằng cách hóa thân thành tám đồng tiền, sau đó bảo cha mẹ cậu bé cho tám đồng tiền vào phong bao màu đỏ và đặt cạnh cậu bé. Kì diệu thay, khi con quỷ xuất hiện, ánh hào quang phát ra từ trong phong bao giúp xua đuổi con quỷ, từ đó phong tục lì xì ngày Tết ra đời. Trong tiếng Trung Quốc, lì xì là phiên âm của từ ‘lợi thị’, có nghĩa là may mắn, tài lộc. Vì thế, lì xì Tết có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, mang lại sức khỏe dồi dào và thịnh vượng. Bên cạnh đó, lì xì còn tượng trưng cho sự cầu chúc bình an, tài lộc và thể hiện tấm lòng của người mừng tuổi. Lì xì thường đi kèm với những câu chúc tốt đẹp, làm gia tăng thêm giá trị và ý nghĩa của phong bao lì xì. 

Hình 2. Phong tục lì xì đầu năm

Mặc đồ màu đỏ

Trong những ngày lễ Tết của người Việt Nam, sắc đỏ tràn ngập ở khắp mọi nơi, từ các phong bao lì xì, lồng đèn đến lịch treo trong nhà. Mặc trang phục màu đỏ cũng là một trong những thói quen của nhiều gia đình vào dịp Tết bởi vì theo quan niệm của người Việt từ xa xưa, sắc đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và sung túc. Ngoài ra, gam màu đỏ còn là biểu trưng của sự thịnh vượng và sức mạnh. Diện những bộ trang phục màu đỏ vào đầu năm mới cũng là một trong những cách để xua đuổi những điều không may mắn và rước tài lộc về nhà đồng thời tạo nên không khí lễ hội ấm áp và vui tươi.

Hình 3. Hình ảnh gia đình vui xuân trong trang phục màu đỏ

Bữa cơm đoàn viên

Một trong những nét văn hóa không thể thiếu của người Việt vào những dịp Tết chính là hình ảnh mọi người quây quần bên gia đình trong bữa cơm đoàn viên. Mâm cơm ngày Tết được chuẩn bị thịnh soạn với các món ăn đa dạng, tùy theo từng vùng miền như bánh tét, chả giò, dưa hành, gà luộc,...Chuẩn bị một bữa cơm đầy đủ trong 3 ngày Tết không chỉ là cơ hội để thưởng thức các món ăn truyền thống sau một năm làm việc vất vả mà còn chứa đựng ước vọng một năm mới sung túc, may mắn.

Hình 4. Bữa cơm đoàn viên

Khai bút đầu Xuân

Tục khai bút đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên và những người lao động trí óc. Theo quan niệm dân gian, việc cầm bút viết những dòng chữ đầu tiên vào năm mới tượng trưng cho sự khởi đầu thuận lợi, suôn sẻ trong học tập, sự nghiệp và cuộc sống. Thông thường mọi người sẽ chọn thời điểm đẹp để khai bút, thường là sáng mùng 1 Tết để viết lời chúc hay mục tiêu phấn đấu trong năm mới. Hành động này không chỉ thể hiện sự trân trọng tri thức mà còn là ước vọng về một năm học hành tấn tới, công việc hanh thông.

Hình 5. Khai bút đầu xuân

Tết Nguyên Đán là dịp đặc biệt để mỗi người không chỉ đón mừng năm mới mà còn thực hiện những phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp, với mong muốn một năm an khang, thịnh vượng. Từ việc xin chữ, lì xì, mặc đồ màu đỏ, sum họp bên bữa cơm đoàn viên, đến khai bút đầu năm, tất cả đều mang những giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc. Dù thời gian có trôi qua, những phong tục này vẫn luôn là sợi dây gắn kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc truyền thống, giúp Tết Việt trở nên thiêng liêng và đáng nhớ hơn bao giờ hết. 

Khoa NN&VH Anh kính chúc các độc giả một năm mới thật sung túc và gặp nhiều may mắn!

Cùng đọc các bài viết khác của Khoa tại đây.