Theo thống kê của bộ GD&ĐT năm 2015, có đến 40% sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ba tháng. Lý do chính khiến các nhà tuyển dụng từ chối các tân cử nhân không phải là thiếu kinh nghiệm. Vậy đó là gì? Dưới đây là những kinh nghiệm tôi rút ra được từ trải nghiệm của mình và bạn bè.
1. Có bằng cấp là có việc
Nhiều bạn vẫn nghĩ có trong tay tấm bằng đại học là bạn nắm chắc cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực tế bằng đại học không còn là tấm vé vàng để tìm việc. Đó là điều kiện cần nhưng yếu tố đủ là những kỹ năng mềm cần thiết trong công việc.
Tôi được nghe các anh chị nhân sự trong công ty chia sẻ những kỹ năng mềm còn thiếu của sinh viên Việt Nam mình bao gồm ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng viết và thuyết trình. Gọi là kỹ năng, tức bạn hoàn toàn có thể rèn luyện để trở nên thành thạo chúng. Quan trọng hơn, không bao giờ là quá trễ để bắt đầu phát triển bản thân, vấn đề là bạn có muốn hay không?
2. Thiếu mục tiêu và định hướng nghề nghiệp
Nhiều bạn thường hay than thở với tôi rằng mình rất chán nản hay không biết làm việc gì với ngành nghề mình theo học, hậu quả của việc không chọn lựa kĩ cái “nghiệp” cho bản thân ngay từ những năm trung học phổ thông. Đây là thực trạng chung của nhiều người, vì chưa biết gì nên chỉ làm theo mong muốn của gia đình hoặc theo bạn bè.
Để biết được mình phù hợp với việc gì, điểm mạnh, điểm yếu ở đâu, bạn nên dành chút thời gian để khám phá và đánh giá bản thân. Đến những buổi hội thảo tư vấn nghề nghiệp tổ chức ở trường để thay đổi nếu chưa quá muộn, tham khảo những bài viết về nghề nghiệp, dành thời gian tự đánh giá bản thân, suy nghĩ về những việc mình muốn làm ở công việc tương lai,… từ đó chọn nghề phù hợp.
3. Nhầm tưởng về khả năng
Một sai lầm nghiêm trọng nữa ở các bạn sinh viên là đang tự tin thái quá về khả năng của mình. Với tấm bằng đại học khá, giỏi hoặc thậm chí là xuất sắc hay tốt nghiệp từ các trường đại học có tiếng trong nước, nhiều bạn nghĩ mình xứng đáng nhận mức lương ngàn đô trở lên!? Không ai trả cho bạn mức lương đó nếu bạn không chứng tỏ được những gì mình có thể cống hiến cho công ty.
Ngoài ra, những gì đã học ở trường chỉ là nền tảng cơ bản, bạn cần nhiều hơn nữa nếu muốn áp dụng vào công việc. Bao nhiêu bạn học chuyên ngành Marketing có thể làm SEO, SEM hay Facebook Ads?
Với sự ảo tưởng về bản thân, bạn đang sai lầm trong suy nghĩ khi tìm kiếm một công việc hoàn hảo. Hậu quả là bỏ qua tất cả các cơ hội để có một công việc thực sự cho bạn cơ hội trau dồi kinh nghiệm và phát triển bản thân.
Lời khuyên của tôi là các bạn hãy tìm kiếm môi trường làm việc tốt thay vì mức lương khi bắt đầu sự nghiệp.
4. Hình ảnh và Phong cách thiếu chuyên nghiệp
Khi đã bắt tay vào tìm việc, ngoài việc chuẩn bị tốt về mặt kiến thức, các kĩ năng cần có, vốn ngoại ngữ và một vài tài lẻ, bạn cần tạo cho mình một phong cách và thái độ thật sự chuyên nghiệp.
Một trong những ví dụ điển hình là khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, tuyệt đối không được sử dụng những ngôn từ chỉ phổ biến ở giới trẻ. Ngay cả khi viết mail bạn cũng nên chú ý đến kiểu viết, cách viết, kiểu chữ kí, tránh sử dụng kiểu trang trí cầu kỳ, màu sắc lòe loẹt. Viết sai chính tả, lủng củng là những vấn đề mà nhiều sinh viên mới ra trường hay mắc phải. Bạn nên chắc chắn rằng mình không mắc những lỗi ngớ ngẩn như thế trong CV, thư cảm ơn,…. bằng việc kiểm tra thật kỹ mọi thứ gửi cho nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, trong thời đại của mạng xã hội ngày nay, nhà tuyển dụng thường sử dụng các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thông tin về bạn. Những bức ảnh, lời bình, status mà bạn đăng tải trên Facebook, blog,…đều sẽ được sử dụng để đánh giá về tính cách của bạn.
Lời kết:
Để tồn tại, chúng ta phải không ngừng phát triển bản thân để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tôi rất thích bài viết Tôi đã phát triển bản thân sau 3 năm đi làm như thế nào? vì những lời khuyên thực tế và hữu ích cho bạn trẻ mới ra trường.
Sưu tầm