Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học được đông đảo sinh viên hưởng ứng và ngày càng nhiều sinh viên mong muốn thử sức trong lĩnh vực học thuật này. Khoa nhận được nhiều đề tài mới lạ và mang tính ứng dụng cao từ các bạn sinh viên các khóa, đặc biệt là sinh viên năm nhất. Tuy nhiên, hoàn thành một bài báo cáo nghiên cứu khoa học không phải là một việc dễ dàng đối với tất cả sinh viên vì nó đòi hỏi sự chỉn chu cả về nội dung và hình thức. Trong bài viết dưới đây, Khoa NN&VH Anh sẽ giới thiệu đến các bạn những lỗi sai cần tránh khi viết báo cáo nghiên cứu khoa học.
#1: Phần tổng quan nghiên cứu thiếu chiều sâu và sự liên kết
Một số sinh viên thường có quan niệm sai lầm rằng phần tổng quan nghiên cứu (literature review) chỉ là phần miêu tả lại các nghiên cứu đã làm trước đây. Tuy nhiên, tổng quan nghiên cứu không chỉ dừng lại ở sự miêu tả mà nó còn đòi hỏi người nghiên cứu phải đánh giá được các nghiên cứu liên quan, từ đó tìm ra các lỗ hổng nghiên cứu để củng cố lý do chọn đề tài và tính thực tiễn, cấp thiết của đề bài. Cụ thể, người nghiên cứu cần xác định những điểm mạnh và điểm thiếu sót của các bài nghiên cứu, thường liên quan đến phần phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tổng quan nghiên cứu cũng cần có sự mạch lạc và liên kết. Thông thường, các bạn sinh viên chỉ liệt kê các nghiên cứu một cách riêng lẻ, dẫn đến nội dung phần tổng quan khá rời rạc. Để nội dung có tính liên kết cao hơn, người viết cần chỉ ra sự tương đồng cũng như sự khác biệt giữa các nghiên cứu và lý giải vì sao lại có sự tương đồng hoặc khác biệt đó. Ngoài ra, người viết cần xác định rõ cấu trúc phần tổng quan nghiên cứu, có thể theo chủ đề, theo khung lý thuyết, phương pháp luận hoặc theo thời gian để tránh sự thiếu mạch lạc trong nội dung bài viết.
#2: Đạo văn
Đạo văn là một trong những lỗi phổ biến nhất khi viết báo cáo nghiên cứu khoa học. Một số sinh viên có xu hướng sao chép nguyên văn nội dung bài nghiên cứu của các tác giả thay vì diễn giải lại. Bên cạnh đó, một số người viết mặc dù đã diễn giải lại ý tưởng của các tác giả nhưng quên trích dẫn. Điều này sẽ tạo nên ấn tượng không tốt đối với hội đồng nghiên cứu khoa học vì đây là một trong những việc làm vi phạm đạo đức nghiên cứu, là biểu hiện của sự thiếu trung thực và thiếu tính sáng tạo. Để tránh lỗi này, sau khi viết báo cáo xong, các bạn cần kiểm tra liệu nội dung mình viết có đạo văn hay không và nếu có thì bao nhiêu phần trăm bằng các trang web sau đây:
#3: Trích dẫn quá nhiều nghiên cứu
Một số bạn sinh viên nghĩ rằng càng trích dẫn nhiều nghiên cứu thì bài báo cáo càng được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc trích dẫn nhiều chủ yếu thể hiện số lượng bài nghiên cứu mà các bạn đã đọc thay vì chất lượng bài viết. Nhiều sinh viên trích dẫn tất cả các bài báo đã đọc mặc dù chúng không liên quan đến đề tài nghiên cứu và không thật sự quan trọng. Thay vào đó, các bạn nên trích dẫn một cách có chọn lọc. Thông thường, chúng ta nên ưu tiên trích dẫn các nghiên cứu mới nhất, các nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau có liên quan đến chủ đề nghiên cứu và các nghiên cứu có độ tin cậy cao, từ các trang báo uy tín.
#4: Trích dẫn không đúng chuẩn
Trích dẫn là một trong những khía cạnh quan trọng thể hiện đạo đức nghiên cứu của nhà nghiên cứu. Trích dẫn là cách để tránh đạo văn và tôn trọng quyền tác giả. Nếu trích dẫn không đúng cách, bài báo cáo sẽ không được đánh giá cao và vi phạm bản quyền. Khi trích dẫn, các bạn sinh viên thường mắc một số lỗi như trích dẫn thiếu thông tin và không đúng định dạng mà Khoa yêu cầu. Để trích dẫn chuẩn xác, các bạn nên tham khảo hướng dẫn trích dẫn từ sách, báo uy tín hoặc dùng các công cụ như Mendeley, Ednote, Zotero,...
#5: Lỗi dùng từ
Bài báo cáo khoa học đòi hỏi người viết sử dụng ngôn ngữ trang trọng và mang tính học thuật. Tuy nhiên, nhiều sinh viên sử dụng ngôn ngữ không thật sự phù hợp như viết tắt, thành ngữ và các cụm từ miêu tả cảm xúc. Để hạn chế mắc các lỗi về dùng từ, các bạn nên đọc các bài báo uy tín, ghi chú lại các cụm từ hay hoặc tham khảo ngân hàng cụm từ học thuật tại trang web Academic Phrasebank.
#6: Lỗi định dạng
Bên cạnh nội dung thì cách trình bày báo cáo cũng không kém phần quan trọng vì nó thể hiện sự chỉn chu, tỉ mỉ của người viết. Một số sinh viên thường quên canh lề, giãn dòng và chỉnh cỡ chữ, khiến bài báo cáo dễ mất điểm với hội đồng. Vì thế, sau khi hoàn thành báo cáo, các bạn nên dành thời gian kiểm tra lại văn bản nhiều lần để đảm bảo bài viết không mắc các lỗi về định dạng, từ đó có một bài báo cáo hoàn thiện cả về nội dung và hình thức.
Trên đây là 6 lỗi mà các bạn sinh viên thường gặp phải khi viết báo cáo khoa học và cách khắc phục. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hoàn thành bài báo cáo nghiên cứu khoa học xuất sắc hơn!
Đọc các bài viết khác của Khoa tại đây.