Lại một mùa nghiên cứu khoa học nữa lại đến, các bạn sinh viên khoa NN&VH Anh cũng như tất cả các bạn sinh viên đại học đã chuẩn bị được gì cho cuộc thi nghiên cứu khoa học sắp tới? Sau bài viết về lý do tại sao SV nên tham gia nghiên cứu khoa học, khoa NN&VH Anh sẽ mang đến cho các bạn các bước viết bài nghiên cứu đơn giản và hữu ích nhất.
Bản chất của nghiên cứu khoa học
Hãy luôn nhớ rằng việc làm nghiên cứu khoa học không đơn giản là đi thu thập và tổng hợp thật nhiều dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và giữ nguyên để nộp cho thầy cô và không làm gì thêm. Bản chất của nghiên cứu khoa học là các bạn phải đào sâu, tìm tòi thông tin về những đề tài mang tính ứng dụng cao mà bạn quan tâm, đồng thời phát hiện hoặc tổng hợp được những nội dung mà chưa ai làm trước đây. Và việc nghiên cứu đơn giản hơn những gì các bạn nghĩ. Lấy một ví dụ đơn giản như bạn là sinh viên và mong muốn tìm một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn Đà Nẵng để theo học và bạn tìm trên mạng, qua lời giới thiệu của bạn bè, đọc các bài quảng cáo và bạn tổng hợp những thông tin này thì đó chính là nghiên cứu. Vậy liệu nghiên cứu có thật sự đơn gỉan và dễ hiểu như vậy không, các bạn hãy tham khảo ba bước dưới đây để tự khám phá câu trả lời nhé!
Bước 1. Chọn và thu hẹp đề tài nghiên cứu
Để quá trình nghiên cứu trở nên dễ dàng và thú vị hơn, hãy bắt đầu bằng một đề tài mà bạn thật sự quan tâm, yêu thích và muốn tìm hiểu sâu hơn về đề tài đó. Ngoài ra, đề tài bạn chọn cần mang tính ứng dụng cao và đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu đó, cho tổ chức của bạn hay thậm chí cho xã hội. Đọc tới đây thì các bạn sẽ thấy hơi khó đúng không, tuy nhiên hãy tự tin chọn những đề tài bạn muốn làm và đừng quên liên hệ với GV hướng dẫn của bạn để các thầy cô góp ý cho mình nhé.
Một trong những lỗi hay mắc phải khi chọn đề tài đó là đề tài của các bạn quá rộng. Để việc nghiên cứu được suôn sẻ và thành công thì đề tài của các bạn cần cụ thể. Lấy ví dụ bạn muốn nghiên cứu về những lỗi mà sinh viên hay mắc phải trong kỹ năng viết. Đề tài này cần phải cụ thể hơn về đối tượng và địa điểm nên cần thu hẹp lại là nghiên cứu về những lỗi sai về thì mà sinh viên năm 3 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh trường đại học Đông Á gặp phải trong kỹ năng Viết.
Bước 2. Thực hiện nghiên cứu
Xây dựng câu hỏi nghiên cứu
Hãy tự đặt những câu hỏi "what/ how/ why" xoay quanh đề tài nghiên cứu mà mình muốn tìm hiểu về. Ví dụ đối với đề tài “Nghiên cứu về những lỗi sai về thì mà sinh viên năm 3 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh trường đại học Đông Á gặp phải trong kỹ năng Viết” thì “what: SV gặp khó khăn gì về sử dụng thì khi viết câu”, “how: SV thường luyện viết câu bằng cách nào”, “why: tại sao SV lại thường mắc những lỗi sai về thì khi viết câu”, vv. Trên đây chỉ là một vài câu hỏi nghiên cứu gợi ý, các bạn có thể đặt những câu hỏi khác tương tự, tuy nhiên tránh đặt câu hỏi Yes/No.
Viết tổng quan nghiên cứu
Các bạn cần đọc nhiều tài liệu liên quan đến chủ đề mình muốn tìm hiểu. Lưu ý nguồn tài liệu có thể từ sách, tài liệu khoa học và nhiều nhất là mạng Internet. Hãy sử dụng Google Scholar thay cho Google và cân nhắc những nguồn chính thống, tránh sử dụng những nguồn mà mọi người đều có thể chỉnh sửa như Wikipedia. Sau khi tìm được nhiều tài liệu cần đọc, các bạn hãy tải về và xây dựng hệ thống các tài liệu cần đọc bằng các công cụ như Excel. File có thể bao gồm các cột như Tên tác giả, tên tài liệu, năm xuất bản, tóm tắt, ghi chú riêng của bạn, vv để thuận tiện cho việc xem lại và trích dẫn khi viết bài.
Xác định phương pháp phân tích dữ liệu
Sau khi tổng hợp các nghiên cứu có sẵn, bạn hãy tìm và tổng hợp những câu trả lời của các tác giả cho câu hỏi nghiên cứu của mình. Sau khi thu thập hãy xác định phương pháp phân tích dữ liệu. Có 2 phương pháp phổ biến thường được sử dụng: định lượng, định tính hoặc phương pháp tổng hợp cả 2 phương pháp trên.
Bước 3: Viết bài nghiên cứu
Trước khi bắt tay vào viết bài, các bạn cần phải tìm hiểu dàn ý bài nghiên cứu theo yêu cầu của khoa, trường nơi bạn đang học và phải bám sát theo dàn ý đó. Tiếp theo các bạn hãy điền những nội dung chính của đề tài của mình vào dàn ý đó. Đây chính là dàn ý chi tiết cho bài viết của bạn.
Bước tiếp theo là viết nháp. Bạn phải hiểu và có cái nhìn tổng quan cho toàn bài nghiên cứu và vừa viết đồng thời cố gắng liên kết các câu, ý, đoạn lại với nhau. Bước cuối là xem lại toàn bài, chỉnh sửa những nội dung hơi lạc đề với câu hỏi nghiên cứu, chú ý phong cách viết và các lỗi thường gặp về ngữ pháp, chính tả, trích dẫn, cũng như lỗi đạo văn - điều cấm kỵ trong nghiên cứu khoa học.
Hy vọng bài viết trên với 3 bước đơn giản sẽ giúp ích cho các bạn trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Chúc các bạn tìm được đề tài thú vị và đóng góp nhiều cho lĩnh vực mà mình nghiên cứu nhé!
Hãy đón đọc các bài viết hữu ích khác của khoa NN&VH Anh tại đây!