Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học sinh viên

CẢM NHẬN KHI THAM GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Đối với mỗi sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, bên cạnh việc học tập các môn trên lớp, nghiên cứu khoa học được xem như một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của sinh viên. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn chúng ta yêu thích, mà còn cho ta một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho chúng ta cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Nhận thức được những lợi ích to lớn từ việc tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, ngay từ những năm đầu của bậc học đại học, nhóm chúng tôi đã nhiệt tình tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học phát động hàng năm. Mặc dù, do còn thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng, kiến thức còn mỏng, đề tài của nhóm không được thứ hạng cao như mong đợi, nhưng thực sự lần tham gia này đã cho chúng tôi những bài học hết sức quý báu. Sau đây, tôi xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của chính bản thân mình:

1. Bài học lớn nhất mà tôi rút ra cho bản thân – đó chính là cách sắp xếp, phân bổ thời gian làm sao cho hợp lý nhất. Cũng như các bạn, chúng tôi cũng có rất nhiều dự định muốn làm nhưng không phải cái nào cũng thực hiện được vì quỹ thời gian hạn hẹp. Vì vậy, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, bạn phải xác định trước hết mức độ cần thiết, quan trọng của nó với bạn đã. Việc nào quan trọng nhất thì làm trước và dành nhiều thời gian nhất. Tốt nhất là bạn hãy lập một thời gian biểu chi tiết cho các việc cần làm. Bạn đừng xem thường cái thời gian biểu này. Nó không những giúp bạn ghi nhớ những công việc cần làm, mà còn đặt ra mốc thời gian để bạn có thêm động lực làm việc. Bởi, dù sao hoàn thành một việc gì đó như mình mong muốn cũng làm thoả mãn, cho ta cái cảm giác là một người làm việc có kế hoạch. Thường thì cuộc thi SVNCKH thường diễn ra trong thời gian học chính thức ở trường, do vậy các bạn thường phải nghiên cứu khoa học song song với việc học, thậm chí thi trên lớp. Nhiều khi bạn cảm thấy không còn thời gian cho đề tài của mình nữa vì khối lượng bài vở quá nhiều. Để tránh tình trạng này, tôi khuyên bạn hãy dành mỗi ngày khoảng từ 1-2 h cho đề tài của mình như tìm tài liệu, lọc tài liệu cần thiết, tranh thủ viết …Đừng để công việc dồn ứ lại, bạn sẽ cảm thấy quá tải, và đâm ra chán chường với đề tài của mình.

Một kinh nghiệm nữa liên quan đến vấn đề này là khi sắp xếp thời gian, bạn hãy để dôi ra khoảng 15 phút, bởi nhiều khi trong thực tế sẽ phát sinh nhiều việc không trong dự định của bạn. Nhóm chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm “đau thương”. Tôi xin dẫn chứng đây một ví dụ. Đó là khi chúng tôi hẹn gặp thày giáo hướng dẫn, chúng tôi thường đi rất sít giờ, và những lần đấy, trên đường đi thường gặp những sự cố như tắc đường, hỏng xe…Và thường là, thầy giáo là người đợi chúng tôi. Có lần, nhóm đành phải lỡ hẹn với thầy vì xe hỏng 30 phút chưa sửa được.

2. Kinh nghiệm thứ hai không kém phần quan trọng đó là làm sao có thể lọc ra được những tài liệu phù hợp cho đề tài của mình trong khối lượng tài liệu tham khảo khổng lồ. Hiện nay, với những công cụ tìm kiếm rất tiện ích trên mạng, bạn không còn phải lo lắng về việc thiếu tư liệu nữa. Nhưng bạn phải đối mặt với vấn đề nan giải không kém: tài liệu nào là tài liệu bạn cần. Thường thì, với những người làm đề tài, nhất là những người mới bắt đầu, bạn thường bị hoa mắt, ngập đầu trong đống tài liệu tìm được. Một giải pháp cho vấn để này là, bạn hãy xem xét lại đề tài của mình, đánh dấu những phần bạn thật sự thấy cần thiết cho đề tài của mình. Và lọc ra những tài liệu liên quan đến những phần đó. Một giải pháp khác là bạn hãy đến gặp thầy giáo hướng dẫn của mình và yêu cầu giúp đỡ. Đừng e ngại, vì các thầy đều rất nhiệt tình giúp đỡ sinh viên, nhất là khi bạn có niềm đam mê theo đuổi một cái gì đó.

3. Điều thứ ba tôi muốn chia sẻ với bạn, đó chính là cách trình bày một đề tài nghiên cứu khoa học.Không chỉ chú trọng vào phần nội dung, mà bạn còn nên chú trọng vào phần hình thức nữa. Bởi, chỉ cần nhìn vào hình thức thôi, các vị giám khảo cũng có thể đoán được trình độ chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học đến đâu. Đặc biệt, bạn cũng cần lưu tâm đến viêc lưu giữ nguồn tài liệu tham khảo. Lời khuyên cho bạn là bạn hãy đặt footnote trong đề tài của mình. Nó sẽ làm cho đề tài của bạn chuyên nghiệp hơn, và cũng đẹp mắt hơn.

Trên đây là một số kinh nghiệm của chúng tôi khi làm đề tài. Bạn thấy đấy làm đề tài đúng là khó nhưng sau đấy bạn có thể tự mình thu được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Và hơn hết, cái chính là bạn đã hiện thực hoá được đề tài của mình, hiện thực hoá được dự định của mình. Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa, đó cũng là công sức của bạn, là những suy nghĩ rất thực của bạn. Điều quan trọng là bạn đã nói lên được suy nghĩ của mình, và có cơ hội thể hiện nó. Chúc bạn sẽ thành công với đề tài của mình!

Khoa Ngoại ngữ (sưu tầm)