Tạo môi trường tiếng trong giao tiếp hằng ngày cho người học ngoại ngữ

Môi trường ngôn ngữ hay còn gọi là môi trường tiếng đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học ngoại ngữ nói chung và dạy và học kỹ năng nghe hiểu nói riêng. Môi trường lý tưởng nhất đối với người học ngoại ngữ là nước bản ngữ.

Khi sống trong môi trường mà mọi người xung quanh đều sử dụng thông thạo ngôn ngữ mình đang học, người học ngoại ngữ có cơ hội được thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ đó, ít nhiều hiểu được những gì người bản ngữ nói mặc dù chưa thể tạo ra được những lời nói tương tự như vậy ngay lập tức. Trong môi trường như vậy, họ buộc phải xác định động cơ học tập rõ ràng, phải học tập để có khả năng giao tiếp và để đáp ứng được yêu cầu giao tiếp trong môi trường đó. Họ cũng có cơ hội sử dụng ngôn ngữ mình đang học, kiểm tra và đánh giá khả năng và sự tiến bộ của chính mình. Ngoài ra, họ còn liên tục nhận được sự giúp đỡ của những người bản ngữ sống xung quanh, bắt chước cách nói của họ và đôi khi được người bản ngữ sửa lỗi nếu như sử dụng ngôn ngữ chưa chuẩn xác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện để ra nước ngoài học ngoại ngữ. Phần lớn, những người học ngoại ngữ đều bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ này tại nước mình. Những người học ngoại ngữ tại nước mình thường không có được động cơ mạnh mẽ và cũng không được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ như những người học ngôn ngữ trong môi trường mà ngôn ngữ đó được sử dụng thường xuyên như tiếng mẹ đẻ. Để bù lại sự thiếu hụt này, các cơ sở đào tạo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang nỗ lực tạo dựng môi trường ngôn ngữ cho người học ngay tại nước mình. Bài báo này xin giới thiệu một số cách giúp cho việc xây dựng môi trường tiếng cho người học ngoại ngữ thứ hai tại đất nước của họ.

Xây dựng môi trường tiếng trong giờ học

Có một số các tiêu chí để xây dựng môi trường tiếng trong giờ học:

Môi trường học tập sử dụng toàn bộ ngoại ngữ

Người học của chúng ta rất thiếu môi trường tiếng tự nhiên. Việc học tập ngoại ngữ chủ yếu ở trên lớp. Vì vậy giáo viên cần phải:

Thứ nhất, thực hiện các khâu dạy học bằng ngoại ngữ. Từ các khâu ổn định tổ chức lớp, truyền thụ kiến thức, hướng dẫn hoạt động trong lớp, chúng ta đề sử dụng ngoại ngữ. Việc này giúp cho người học có cơ hội bộc lộ bản thân trong môi trường tiếng. Tất nhiên ban đầu người học có thể gặp một số khó khăn trong lĩnh hội kiến thức nhưng giáo viên không nên lo lắng về vấn đề người học có nắm được toàn bộ hay không. Môi trường học tập ngôn ngữ còn quan trong hơn cả các kiến thức cụ thể. Ngoài ra, người học cũng không nên vì thế mà nản lòng. Ngược lại, càng phải tích cực tham gia để tiếp thu được những kiến thức cần thiết.

Thứ hai, giáo viên cần tăng cường quan hệ giao tiếp bằng cách tăng cường các hoạt động giao tiếp trong lớp học. Ví dụ như các hoạt động tranh luận, thuyết trình, hội thoại theo từng cặp người học…. . Quan hệ giao tiếp tạo điều kiện cho người học thực sự được đặt mình vào trong môi trường tiếng, giảm bớt áp lực đối phó với học tập, vận dụng những điểm ngôn ngữ đã nắm được để thực hành thành công giao tiếp. Từ đó, người học càng củng cố được niềm tin, mạnh dạn hơn để thể hiện mình và tạo được nhiều hứng thú trong học tập.

Thứ ba, nội dung dạy học trên lớp nên chú trọng vào ý nghĩa giao tiếp hơn là hình thức của ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là giáo viên không nên chỉnh sửa quá nhiều các lỗi ngữ pháp của người học mà nên chú ý tới ý nghĩa biểu đạt cụ thể của người học. Tất nhiên giáo viên cũng phải có thái độ đúng đắn đối với lỗi sai của người học. Ví dụ như lỗi sai do người học chưa nắm hết được bản chất của hiện tượng ngôn ngữ thì giáo viên nên phân tích, giải thích. Còn lỗi sai ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp và cần phải chỉnh sửa thì giáo viên cũng nên chờ người học nói xong mới chỉnh sửa để họ luôn giữ được cảm giác và trạng thái vui vẻ, tự tin.

Thứ tư là tạo ra môi trường tiếng thông qua các phương tiện nghe nhìn, phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet. Với những phương tiện giảng dạy truyền thống, người học có thể được tiếp xúc với ngoại ngữ thông qua các băng video, đĩa VCD, băng cassette, đĩa CD… . Đối với những lớp học hiện đại hơn, người học có thể xem các chương trình vô tuyến phát bằng thứ tiếng mà người học học hay truy cập vào mạng để đọc báo, xem tin và học ngoại ngữ. Đây là những phương tiện có chức năng hỗ trợ đắc lực cho quá trình học ngoại ngữ nói chung và học nghe nói riêng.Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả các phương tiện trên, người học cần có một trình độ tiếng Anh nhất định và trong nhiều trường hợp, cần có sự hướng dẫn chu đáo và tỉ mỉ của giáo viên.

Thứ năm là xây dựng môi trường giao tiếp chính thức. Môi trường giao tiếp chính thức chính trên lớp là môi trường tiếng kết hợp giữa ngôn ngữ trong bài học với ngôn ngữ phục vụ cho giao tiếp. Giáo viên có thể xây dựng môi trường giao tiếp trong giờ học bằng cách căn cứ vào nội dung bài học để thiết kế các tình huống giống với thực tiễn. Từ đó, giáo viên và học sinh sử dụng các từ ngữ đã biết kết hợp với từ ngữ trong bài học để thực hiện giao tiếp.

Môi trường tiếng ngoài giờ học

Môi trường tiếng trên lớp luôn bị hạn chế về thời gian và không gian cho nên giáo viên cũng phải cố gắng xây dựng môi trường tiếng ngoài giờ học để người học có hứng thú, vui vẻ thực tập sử dụng thứ tiếng mà họ đang học.

Cách thứ nhất là tổ chức các nhóm hoạt động vui chơi bằng ngoại ngữ. Động viên người học tích cực tự tổ chức các nhóm khoảng 3 đến 4 người tìm tài liệu có liên quan, xây dựng các nội dung như: thuyết trình, tranh luận, tập ca hát…. . Nội dung của mỗi buổi hoạt động không hạn chế về độ dài ngắn, khó dễ. Hình thức và chủ đề do người học tự chọn để đảm bảo phát huy tối đa tính tích cực của người học và hạn chế tối đa các yếu tố về tâm lý. Giáo viên ngoài việc đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo nên dành thời gian lắng nghe các nhóm trình bày để kịp thời đưa ra những động viên, khích lệ người học và chỉnh sửa những điều chưa được để giúp người học làm tốt hơn trong các hoạt động tiếp theo. Từ cơ sở các hoạt động nhóm có thể tiến tới yêu cầu tổ chức các hoạt động ngoại khóa lớn như: dạ hội, thi hùng biện toàn khối, thi viết các tác phẩm bằng ngoại ngữ…. . Thêm vào đó, việc khuyến khích người học viết nhật ký bằng ngoại ngữ cũng góp phần đáng kể vào việc học ngoại ngữ của người học.

Các vấn đề liên quan

Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường tiếng. Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cũng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng cơ sở đào tạo. Ví dụ như: phòng lap, phòng internet…; xây dựng các thư viện có đầy đủ các loại sách báo, tạp chí, tài liệu ngoại ngữ, mua sắm trang thiết bị hiện đại để người học có điều kiện tiếp xúc với ngôn ngữ bản địa. Khai thác tốt các trang thiết bị này sẽ góp phần quan trọng trong vấn đề xây dựng môi trường tiếng.

Tố chất của giáo viên

Trong quá trình dạy ngoại ngữ, giáo viên là người tổ chức xây dựng môi trường tiếng cho người học thực hành. Yêu cầu này phải gần giống với môi trường ngôn ngữ tự nhiên trong đó giáo viên phải là đối tượng trực tiếp để người học mô phỏng. Chính vì vậy, mỗi giáo viên cần có:

  • Kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng ngôn ngữ tốt.
  • Khả năng tổ chức lớp dạy học và khả năng thực hành giáo dục.
  • Tác phong tu dưỡng và tính cách khiêm nhường, hòa nhã.
  • Kiến thức ngôn ngữ hiện đại và mang tính hệ thống.
  • Kiến thức giáo học pháp học ngoại ngữ.

Muốn xây dựng được môi trường tiếng cho người học, rất cần đến tính sáng tạo của giáo viên. Để làm được điều này, giáo viên cần phải rèn luyện được:

1. Nói năng trôi chảy, phát âm rõ ràng, biết kết hợp lời nói với hành động để biểu đạt tình cảm;

2. Biết mô phỏng các đặc trưng lời nói, ngữ điệu của các nhân vật trong cá tình huống khác nhau trong cuộc sống.

3. Nhiệt tình, hài ước và có sức thu hút để làm cho người học vui vẻ tiếp thu những thông tin mà giáo viên đưa ra.

4. Đưa ra các ví dụ cần sát với thực tế, cố gắng lựa chọn những vấn đề mà người học quan tâm.

5. Làm tốt vai trò thiết kế, gợi mở để người học tiến hành hoạt động giao tiếp có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

1. Brown, H. D. Các nguyên tắc dạy học. NXB Prentice Hall Regents, 1994.

2. Gower R, Philips D, Walters S. Teaching Practice Handbook. Heinemann, Oxford, 1995.

3. Harmer J. How to teach English. Longman, 1998.

4. Richards J.C., Curriculum Development in Language Teaching, Cambridge University Press, 2001

Nguồn tin: http://huc.edu.vn/chi-tiet/3485/Tao-moi-truong-tieng-trong-giao-tiep-hang-ngay-cho-nguoi-hoc-ngoai-ngu.html