Theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ
1. Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.
2. Xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất, chi tiết, gồm 6 bậc, tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng để làm căn cứ biên soạn chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy và xây dựng tiêu chí đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học.
Khung trình độ năng lực ngoại ngữ cần xác định rõ yêu cầu về trình độ, năng lực nghe, nói, đọc, viết tương thích với các tiêu chí xác định 6 bậc do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu đã ban hành (viết tắt là KNLNN) trong đó bậc 1 là bậc thấp nhất và bậc 6 là bậc cao nhất.
3. Xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt các bậc trình độ như sau: tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo KNLNN; tốt nghiệp trung học đạt trình độ bậc 2 theo KNLNN; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN.
Tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.
Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo KNLNN sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn như: Toán và một số môn phù hợp ở các trường trung học phổ thông.
4. Triển khai đào tạo theo chương trình ngoại ngữ mới đối với giáo dục chuyên nghiệp (trung cấp và dạy nghề) với mức trình độ tối thiểu đạt được bậc 2 theo KNLNN sau khi tốt nghiệp trường nghề và bậc 3 theo KNLNN sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, chương trình đào tạo ngoại ngữ có thể áp dụng theo một số chương trình khác nhau, phù hợp với các đối tượng người học có kiến thức phổ thông hoặc trình độ khác nhau.
5. Triển khai đào tạo theo chương trình ngoại ngữ mới đối với giáo dục đại học. Nội dung chương trình đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng cho hai nhóm đối tượng chính: một nhóm dành cho các đối tượng người học đã học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm ở phổ thông và một nhóm dành cho các đối tượng người học đã học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiểu là bậc 3 theo KNLNN sau khoá tốt nghiệp.
Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ bậc 4 sau khoá tốt nghiệp cao đẳng và bậc 5 sau khoá tốt nghiệp đại học và bắt buộc người học phải đồng thời được đào tạo hai ngoại ngữ trong một khoá đào tạo, một ngoại ngữ chính (ngoại ngữ 1) và một ngoại ngữ phụ (ngoại ngữ 2), trong đó thời lượng đào tạo ngoại ngữ phụ không quá 1/2 thời lượng dành cho việc đào tạo ngoại ngữ chính.
Xây dựng và triển khai chương trình dạy bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và tự chọn ở một số ngành trọng điểm trong chương trình đại học ở năm cuối bậc đại học.
6. Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với giáo dục thường xuyên.
Chương trình đào tạo ngoại ngữ áp dụng trong các cơ sở giáo dục thường xuyên phải phù hợp nhu cầu đa dạng phong phú về hình thức, đối tượng, trình độ đào tạo, đáp ứng như cầu người học, có tác dụng tích cực khắc phục những hạn chế của giáo dục chính quy.
Chương trình đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên phải đảm bảo yêu cầu nội dung, chất lượng. Trình độ năng lực ngoại ngữ của người học sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục thường xuyên phải đạt tương đương với trình độ đào tạo theo hình thức chính quy tương ứng ở các cấp học, trình độ đào tạo.
7. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong đào tạo ngoại ngữ; xây dựng các dữ liệu ngân hàng câu hỏi, phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo môn ngoại ngữ; nâng cao hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo các môn ngoại ngữ.
Nguồn: http://dean2020.moet.gov.vn