Việc đạt điểm trung bình (GPA) cao là mong ước của tất cả bạn sinh viên trước mỗi kỳ học mới, tuy nhiên việc này không hề đơn giản bởi lẽ nó đòi hỏi người học phải có những chiến lược học tập khoa học, sự cố gắng, nỗ lực cũng như kiến thức chuyên sâu cho mỗi học phần. Các bạn có bao giờ thắc mắc làm thế nào để đạt GPA cao và tìm hiểu các phương pháp học để đạt GPA cao? Việc đạt GPA cao có khó như các bạn sinh viên nghĩ? Nhằm giúp các bạn hiện thực hóa một trong những mục tiêu ‘xịn xò’ của chặng đường đại học, hôm nay, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh (FELC) xin chia sẻ các chiến lược học tập hiệu quả để có một kỳ học thật thành công với GPA thật cao.
1. Đặt mục tiêu: Để có thể đạt thành tích cao trong học tập ở giảng đường Đại học, mỗi sinh viên cần phải đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Các mục tiêu học tập được hình thành từ những nguyện vọng, mong muốn của các bạn sinh viên trong quá trình học tập. Đó có thể là mục tiêu dài hạn (mục tiêu có thể đạt được trong một khoảng thời gian dài ) hoặc mục tiêu ngắn hạn (mục tiêu có thể đạt được trong khoảng thời gian ngắn, thường dưới 1 năm). Việc hình thành các mục tiêu học tập sẽ giúp cho các bạn cụ thể hóa những việc mà các bạn cần hoàn thành trong năm học, hiểu rõ bản thân cần phải trau dồi, cải thiện ở khía cạnh nào. Từ đó, các bạn sinh viên có thể dễ dàng xây dựng lộ trình học tập khoa học, phân bổ thời gian hợp lý hơn và được tiếp thêm động lực học tập.
Ví dụ:
- Mục tiêu dài hạn: Tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA >=3.9
- Mục tiêu ngắn hạn:
+ Dành 30 phút mỗi tối học từ vựng tiếng Anh theo chủ đề
+ Ôn lại kiến thức cũ của mỗi môn học trong vòng 15 phút hoặc 20 phút
+ Chủ động tìm đọc các tài liệu, giáo trình ở thư viện trường và các nguồn học liệu online
Dưới đây là một số website hữu ích để lên kế hoạch, mục tiêu học tập:
2. Tạo timeline học tập: Tạo một danh sách các việc cần làm hằng ngày rất quan trọng vì nó giúp các bạn theo dõi được tiến độ công việc, những công việc nào đã hoàn thành, chưa hoàn thành, đặc biệt trong mùa cao điểm chạy deadline. Lên một timeline học tập bài bản cũng góp phần hạn chế sự trì hoãn của bản thân, một trong các thủ phạm làm giảm hiệu suất học tập. Một checklist thường bao gồm các nội dung sau đây:
Hình 1. Mẫu timeline học tập dành cho sinh viên
3. Tìm hiểu kỹ môn học: Các bạn nên tìm hiểu kỹ về những học phần mình sẽ học trong mỗi kỳ học. Các thông tin quan trọng của mỗi học phần sẽ được các thầy cô giới thiệu ở buổi học đầu tiên của mỗi học phần. Đầu tiên, các bạn cần lưu ý về số tín chỉ của học phần, chuẩn đầu ra cần đạt được và các hình thức kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ để có những chiến lược học tập phù hợp. Về tài liệu học tập, ngoài giáo trình được yêu cầu, các bạn nên dành thời gian đọc thêm các sách tham khảo mà thầy cô đề xuất. Dành thời gian đọc nhiều tài liệu sẽ giúp các bạn hiểu sâu hơn về những kiến thức mới cũng như phát hiện ra những vấn đề không hiểu, từ đó ghi chú lại để hỏi bạn bè, hoặc thầy cô trong các buổi học tiếp theo.
4. Ôn tập: Ôn tập là một việc không thể thiếu sau mỗi bài học. Nếu các bạn chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp mà không dành thời gian xem lại bài thì rất dễ quên những gì đã học. Điều này sẽ khiến các bạn tốn rất nhiều thời gian khi học ôn thi cuối kỳ. Vì thế, sau mỗi bài học các bạn nên dành ít nhất 20 phút để xem lại những gì mình đã học để biết được mình đã học về cái gì, chỗ nào còn chưa hiểu thì kịp thời tìm tòi, đọc thêm tài liệu.
5. Học nhóm: Thảo luận với bạn bè cũng là một cách hiệu quả để nâng cao chất lượng học tập. Các bạn có thể cùng bạn bè lập nhóm học tập, sắp xếp thời gian, địa điểm gặp nhau mỗi tuần, chẳng hạn như ở thư viện hoặc quán cafe hoặc online để cùng tóm tắt lại các nội dung quan trọng trong một kỳ học. Việc chia sẻ kiến thức với nhau sẽ giúp các bạn nhớ kiến thức lâu hơn, tạo cơ hội tiếp cận kiến thức đa chiều và nắm vững bài học.
6. Nghỉ ngơi hợp lý: Khi thấy kiệt sức, mệt mỏi, hãy thư giãn thay vì tạo áp lực cho bản thân. Các bạn có thể nghỉ ngơi 2-3 ngày và trong thời gian đó các bạn có thể xem các bộ phim mình thích, nghe một bài hát khiến bản thân thấy vui hoặc đi dạo trong công viên. Điều này giúp các bạn phục hồi năng lượng và có một tinh thần thoải mái để chuẩn bị chinh chiến cho các ngày tiếp theo.
7. Tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết: Khi gặp vấn đề gì khó khăn, hãy mạnh dạn yêu cầu sự giúp đỡ từ mọi người thay vì chỉ im lặng và tự giải quyết. Các bạn có thể xin lời khuyên, sự hướng dẫn, gợi ý từ cố vấn học tập của khoa và giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô luôn sẵn sàng lắng nghe, giải đáp mọi thắc mắc của các bạn. Vì thế, đừng ngần ngại mà hãy chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ nhé!
Trên đây là những việc cần làm để các bạn có một học kỳ mới đạt thành tích cao. Đừng quên rằng những nỗ lực hôm nay sẽ là nền tảng cho những thành công mai sau. Hy vọng rằng bài viết này có thể hỗ trợ các bạn trong việc nâng cao chất lượng học tập!
Cùng đón đọc những bài viết hay khác của Khoa tại đây.