Bí kíp vượt qua các dự án thuyết trình dành cho sinh viên Đại học năm nhất

Những dự án thuyết trình nhóm chính là cơ hội để “test” và cải thiện kỹ năng Làm việc nhóm – một trong những kỹ năng rất cần thiết để trở thành “công dân toàn cầu”. Làm việc nhóm hiệu quả không chỉ giúp chúng ta kết thêm bạn mới, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời còn giúp tăng kỹ năng giao tiếp của bản thân và tăng hiệu suất làm việc. Câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” vốn chẳng xa lạ gì đúng không nào? Tuy nhiên, nếu bạn là “newbie” và chưa có kinh nghiệm trong các dự án nhóm như thuyết trình thì có thể bạn sẽ gặp nhiều khó khăn lúc ban đầu đấy. 

Nào hãy cùng FELC tìm hiểu những bí kíp để các buổi thuyết trình không còn là nỗi ám ảnh nhé!

#1 Hiểu đồng đội của bạn

Tuỳ yêu cầu của từng học phần mà các bạn sẽ được chủ động chọn nhóm từ 3-5 bạn hoặc có thể nhiều hơn, hay sẽ được chia nhóm theo phân công của giảng viên. Tuy nhiên dù được chọn đồng đội hay không thì việc quan trọng là các bạn phải hiểu được “điểm mạnh” của từng bạn, để từ đó phân chia công việc cho phù hợp, và đảm bảo các bạn trong nhóm đều có cơ hội đồng đều để đóng góp và thể hiện khả năng của mình.

*Gợi ý phân chia công việc nhóm:

  • Phân chia theo nội dung thuyết trình: bạn 1 tìm nội dung và chuẩn bị slide phần 1; bạn 2 tìm nội dung và chuẩn bị slide phần 2; bạn 3 v.v..
  • Phân chia theo công việc: bạn 1 soạn nội dung lý thuyết; bạn 2 có khả năng làm slide nên giao việc tổng hợp và edit slide; bạn 3 tìm bài tập thực hành, game, …

Trên đây chỉ là tham khảo về cách chia nhóm nên các em hãy linh hoạt trong việc phân chia công việc như nào cho đồng đều và phù hợp với các thành viên trong nhóm. Đừng quên những buổi “Off team” để thống nhất và luyện tập với nhau nhé.

#2 Lên kế hoạch & checklist cho từng dự án thuyết trình​

Hãy luôn nhớ rằng mỗi môn học đều có rất nhiều bài tập, cùng với dự án riêng nên hãy luôn lên kế hoạch cho mỗi ngày, từng tuần, từng tháng cẩn thận để bản thân không bị “quá tải” và dẫn đến việc chuẩn bị qua loa – vừa không đem lại kiến thức cho bản thân, vừa không được thầy cô và các bạn đánh giá cao. Vì vậy ngay từ lúc nhận được thông tin cụ thể về buổi thuyết trình từ giảng viên (thời gian, nội dung) các bạn hãy họp, phân công nhiệm vụ và lên timeline cũng những đầu công việc và “deadline” để cả nhóm cùng “follow” và đốc thúc nhau nhé!

*Gợi ý website/ app giúp ích cho việc lên kế hoạch nhóm và cá nhân

  • Google Excel: dễ dàng note đầu công việc, deadline và xếp loại công việc (hoàn thành, chưa hoàn thành hoặc trễ deadline)
  • Notion
  • Trello
  • Evernote

#3 Tìm hiểu kỹ yêu cầu của giảng viên và chuẩn bị nội dung cho buổi thuyết trình

Đối với mỗi học phần, các giảng viên đều có những yêu cầu riêng về nội dung, thời lượng, công cụ trình bày, vv nên các nhóm hãy nhớ “take note” lại những lưu ý này và tuân theo trong quá trình chuẩn bị nhé.

Thông thường các nhóm sẽ được yêu cầu chuẩn bị slide thuyết trình, hoặc cũng sẽ có những môn yêu cầu chuẩn bị những sản phẩm nhất định. Đối với slide power point thì thường sẽ có những nội dung chính bắt buộc như sau:

  • Slide giới thiệu thành viên
  • Slide giới thiệu nội dung chính
  • Outline (dàn ý) của bài thuyết trình
  • Nội dung chính
  • Wrap-up (tóm tắt) nội dung bài thuyết trình
  • Slide “Thank you”

**Lưu ý các nội dung được trình chiếu trên slide phải là những nội dung cốt lõi, ngắn gọn được trình bày bằng font chữ dễ nhìn, size chữ đủ lớn kèm hình ảnh minh hoạ sinh động. Các nhóm tuyệt đối không bê nguyên tất cả nội dung trong sách lên slide. Nếu đây là lần đầu tiên các em thiết kế slide powerpoint thì đừng ngại tham khảo từ thầy cô, và “google” để biết cách làm nhé. 

Bên cạnh việc soạn slide thuyết trình thì đừng quên chuẩn bị nội dung cho bài nói của mình nhé. Để bài thuyết trình tự nhiên và ấn tượng, các bạn SV hãy ngừng ngay việc nhìn chằm chằm slide trình chiếu và đọc lại nội dung trên slide mà hãy ghi nhớ nội dung và trình bày tự tin, luôn giữ “eye-contact” với các bạn dưới lớp. Làm được điều này chắc chắn các em sẽ có một bài thuyết trình vô cùng thành công!

*Gợi ý website/ app giúp ích cho việc lên nội dung thuyết trình:

  • Google powerpoint: dễ sử dụng, không cần mạng Internet
  • Canva: nhiều template đa dạng, tuy nhiên “animation” không linh hoạt bằng GG Powerpoint và yêu cầu mạng Internet
  • Slidesgo: nhiều template slide “free” và có thể tải về dạng powerpoint
  • ISL Collectives: (dành cho các bạn SV Ngôn ngữ Anh tham khảo) với nhiều nội dung soạn sẵn bởi các giáo viên trên khắp thế giới

#4 Luôn có buổi DEMO trước ngày thuyết trình chính thức

Bí kíp bỏ túi cuối cùng mà FELC muốn gửi đến các bạn sinh viên là hãy “duyệt” buổi thuyết trình trước nhé. Đây là cách giúp các em tránh được những sơ suất không đáng có về mạng, về kết nối với máy chiếu, với loa, vv cũng như là cơ hội để các bạn trong nhóm có thể tập dợt thuyết trình chung với nhau và có thể góp ý cho nhau để buổi thuyết trình diễn ra suôn sẻ và thành công nhé!

FELC chúc các em năm nhất thành công và đạt được điểm cao trong các bài thuyết trình nhóm, cũng như kết được thêm nhiều bạn mới!

Xem thêm các bài viết khác về ngành Ngôn ngữ Anh tại đây.