Thi THPT quốc gia: Những lưu ý khi ôn thi môn tiếng Anh

Thầy Phạm Tấn Hoàng, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) gợi ý học sinh nên ôn từ vựng tiếng Anh theo chủ đề từng bài trong SGK và hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề từ thấp đến nâng cao.

 
Ôn theo chủ đề
Giáo viên Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) gợi ý học sinh nên ôn từ vựng  tiếng Anh theo chủ đề từng bài trong SGK và hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề từ thấp đến nâng cao. Chú ý các phần chuyển đổi câu, viết tiếp câu...
Những chủ đề trọng tâm bao gồm: Tenses, Conditionals, Reported speech, Passive voice, Verb forms, Sentenses and Clauses, Phrases (Relative clause and kinds of reducing clauses, Noun Clause, Adverbial Clause, Participal Clause), Phrasal verb, Subjunctive verbs, Kinds of verbs, Agreement. Trong khi ôn cần lưu ý mối quan hệ của các chủ đề, chuyên đề. Ví dụ, trước khi làm bài trong phần câu bị động và câu gián tiếp phải ôn kỹ phần thì và các hình thức bị động…
Phần đọc hiểu: Học sinh cố gắng nắm lại các kỹ năng và phương pháp làm bài bao gồm tìm ý chính, các dạng câu hỏi hay ra trong bài để giám bớt thời gian đọc. Sau mỗi chủ đề tranh thủ đọc thêm những bài đọc có đề tài liên quan
Phần viết: Những bài tập chuyển đổi và viết câu nối tiếp rất hữu ích cho phần này. Khi viết luận (essay) thí sinh phải lưu ý kỹ yêu cầu mỗi bài luận gồm cách làm dàn bài (outline). Từ những chủ đề trong SGK, học sinh cần phải chuẩn bị trước các dàn bài mẫu. Có thể tham khảo ý tưởng, cấu trúc câu trong bài luận mẫu.
Bài điền từ: Trong đề thi, đây là một phần gây khó khăn đối với đa số các bạn học sinh. Bài này đòi hỏi các em phải có vốn từ rộng và hiểu rõ được cách dùng của những từ cần điền.
 
Luyện tập hằng ngày
Giáo viên Phạm Hùng, Trường THPT Marie Curie (Q.3) lưu ý học sinh đừng nên nghĩ trắc nghiệm là dễ bởi để chọn đúng đáp án đòi hỏi phải có tư duy, chính xác. Do vậy trong quá trình ôn cần luyện tập để có vốn từ (tự học thông qua các phương tiện truyền thông), nắm ngữ pháp, luyện tập thường xuyên (từ bài tập của giáo viên hoặc sưu tầm). Đồng thời các em phải siêng năng mỗi ngày dành khoảng 15 đến 30 phút cho kỹ năng đọc - hiểu.
Đối với phần viết, từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp là 2 yếu tố rất cần cho kỹ năng viết. Lời khuyên cho phần này là không tham lam viết nhiều nhưng cũng đừng quá ít. Ví dụ đề yêu cầu viết đoạn văn 140 từ thì nên viết 12 đến 16 dòng. Trong đoạn văn viết để đạt điểm đầu tiên cần phải có câu chủ đề (Topic sentence ) và câu kết luận ( conclusion). Về phần nội dung chính là những câu minh chứng cho câu chủ đề đã nêu. Linking words cũng không kém phần quan trọng, nên sử dụng để nối các câu dưới dạng câu kép hoặc câu phức, nhưng đừng cầu kỳ, đơn giản thôi. Tất nhiên phải chú trọng ngữ pháp, cách sử dụng từ vựng. Phần viết đoạn văn này chính là phần “cứu” thí sinh.
 
Theo thanhnien.vn