Làm thế nào để ghi nhớ từ vựng lâu hơn?

Khi học tiếng Anh, ai cũng muốn biết được càng nhiều từ vựng càng tốt để mở rộng khả năng biểu đạt của mình. Thế nhưng, không phải ai cũng giỏi trong việc ghi nhớ từ mới!

Cách học từ vựng “truyền thống” vẫn đang được phần đông áp dụng hiện nay là: Mỗi buổi học, bạn chép đi chép lại 10-20 từ mới, vừa chép vừa đọc. Gấp tập lại, bạn có cảm giác là mình vừa học thêm được một số từ mới (Thật tuyệt vời!).

Thế nhưng, đảm bảo rằng qua một thời gian, số từ vựng đó sẽ rơi rụng rất nhiều.

Tệ hơn nữa là bạn lại không biết dùng những từ mới đó đúng nơi, đúng lúc! Ví dụ với câu sau:

Người huấn luyện viên ấy đã giúp đánh thức tiềm năng của bọn trẻ.

Một bạn đã dịch cụm “đánh thức tiềm nằng” thành “wake up potential”, đơn giản vì bạn ấy nhớ rằng “wake up” có nghĩa là “đánh thức”. Nhưng thực ra, trong trường hợp này phải dùng cụm “unlock potential”!

Nếu bạn đang gặp vấn đề như trên, hãy thử tham khảo một số cách ghi nhớ từ vựng dưới đây. Những cách này không chỉ giúp bạn nhớ từ vựng lâu hơn, mà còn giúp bạn sử dụng từ đúng với cách mà người bản xứ sử dụng nữa.

1. Học theo cụm từ

Thói quen của nhiều người vẫn là học ngữ nghĩa và phát âm của từng từ đơn lẻ.

Điều đó là hoàn toàn không nên!

Ví dụ, từ “bar” trong tiếng Anh có thể mang rất nhiều nghĩa: quầy rượu, thanh trụ, chấn song,… Nếu học theo từng ngữ nghĩa đơn lẻ, bạn sẽ rất dễ bị rối!

Cách tốt nhất?

Hãy học theo cụm từ:

“a bar of chocolate” = một thanh sô cô la

“to bar the door” = chặn cửa

Hoặc tốt hơn nữa? Hãy học theo câu hoàn chỉnh (Nhớ chọn câu ngắn thôi nhé!):

“I eat a bar of chocolate” = Tôi ăn 1 thanh sô cô la

“He bars the door” = Anh ta chặn cửa lại

Học theo cụm từ không chỉ giúp bạn ghi nhớ được từ vựng, mà còn biết cách sử dụng chúng đúng cách nữa!

Thử nghĩ xem, nếu bạn học từng từ đơn lẻ, bạn lại phải mất công nghĩ cách ráp chúng lại với nhau mỗi khi nói hoặc viết!

2. Học theo chủ đề

Bạn có để ý rằng hầu hết các giáo trình học ngoại ngữ đều chia thành nhiều chương với nhiều chủ đề khác nhau, ví dụ như Chào Hỏi Hằng Ngày, Giới Thiệu Gia Đình, Đi Du Lịch…?

Đó là vì khi tạo được mối liên kết giữa các từ với nhau, bạn sẽ ghi nhớ chúng lâu hơn.

Trong khi đó, rất nhiều phần mềm học từ vựng trên smartphone lại hiển thị từ mới một cách ngẫu nhiên, tạo cho bạn cảm giác rằng học từ mới rất nhẹ nhàng. Bạn nghĩ cách nào hiệu quả hơn? Hãy thử so sánh giữa 2 nhóm từ sau:

Nhóm 1: happy, lover, develop, opinion, music,…

Nhóm 2: happy, sad, smile, laugh, cry…

Bạn thấy nhóm nào dễ nhớ hơn? Rõ ràng là nhóm 2 dễ nhớ hơn, vì các từ vựng đều liên quan đến cảm xúc, dù là tính từ, động từ hay danh từ cũng vậy. Vì thế, nếu quyết định tự học tiếng Anh thay vì đến trung tâm, bạn cũng nên áp dụng cách học này: Mỗi tuần học từ vựng theo một chủ đề nhất định!

3. Đọc. Đọc nữa.

Bạn không nhất thiêt phải đọc những quyển sách tiếng Anh dài lê thê và khó nuốt. Thay vào đó, bạn có thể đọc những mẩu tin ngắn trên BBC, CNN, hay bất kỳ tạp chí nào bạn thích.

Khi gặp từ mới, hãy khoan tra từ điển ngay mà hãy thử đoán nghĩa của từ, dựa vào nội dung bài đọc.

Việc đọc thường xuyên sẽ giúp bạn học thêm nhiều từ mới một cách tự nhiên, dễ dàng và đỡ nhàm chán hơn việc tập chép từ mới rất nhiều! Ngoài ra, kỹ năng diễn đạt ý tưởng của bạn khi nói và viết cũng sẽ trôi chảy hơn nữa đấy!

Sau đây là một số nguồn cho bạn tham khảo:

http://www.eslfast.com

http://www.breakingnewsenglish.com

http://learning.blogs.nytimes.com

http://www.onlinenewspapers.com

4. Chơi. Chơi nữa.

Bạn đừng nghĩ phương pháp học tiếng Anh qua trò chơi chỉ dành cho trẻ con. Rất nhiều trò chơi liên quan đến từ ngữ như Scrabble, Bookworm, Crossword,… được người bản ngữ yêu thích và sử dụng để mở rộng khả năng từ vựng của họ.

Một trò chơi đơn giản như Bookworm của PopCap cũng đủ giúp kích thích trí nhớ và giúp bạn nhớ lại những từ vựng mình đã học trước đây!

Những game tương tự rất phổ biến trên smartphone. Bạn có thể tải về để chơi những khi rảnh, vừa giải trí vừa học từ vựng một cách nhẹ nhàng!

5. Bí kíp cuối: Gắn ngữ nghĩa với cảm xúc

Nghiên cứu cho thấy, con người có xu hướng ghi nhớ lâu hơn những sự vật hoặc hiện tượng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của họ. Vậy tại sao ta không áp dụng lý thuyết này vào việc học từ vựng?

Lấy ví dụ với từ “mug”. Bạn có thể dễ dàng tra được nghĩa của từ này là “cái cốc”. Nhưng làm sao để “lưu” từ này vào trong trí nhớ?

Cách hay nhất là dùng chính từ mới để viết ra 3 câu gắn liền với trải nghiệm hoặc cảm xúc của bạn!

Chẳng hạn:

I love drinking hot chocolate in my green mug.

My sister bought me a lovely mug for my birthday.

The waiter gave me a mug of hot tea latte.

Lưu ý là những câu này phải cụ thể và liên quan đến trải nghiệm thật của bạn. Đừng đặt những câu chung chung như: “There is a mug in the closet”. Bạn sẽ quên ngay thôi! Phương pháp này tuy hơi tốn công hơn một chút, nhưng ngược lại, bạn sẽ nhớ được từ vựng lâu hơn và khó quên hơn.

Khoa Ngoại ngữ sưu tầm.