Kỹ năng nói trước đám đông (Public speaking skill)

Có người khi ở một mình hay trong một nhóm bạn thân quen thì “nói như khướu”, nhưng cứ đứng trước đám đông, dù cho chỉ là một cuộc họp cơ quan vài chục người hay một lớp học cũng “líu lưỡi” lại, nói chẳng đâu vào đâu. Nhưng khi về chỗ, lại “nổ như pháo”.

Nói trước đám đông (public speaking) là việc không đơn giản. Đó là một kỹ năng cần được học tập và rèn luyện thường xuyên.

Nói trước đám đông là một hình thức giao tiếp đặc biệt, nhằm chuyển tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hô hào hành động, tác động vào tình cảm của người nghe, từ đó có sự định hướng hành động. Sinh viên phát biểu ý kiến, nhân viên đóng góp ý kiến trong cuộc họp cơ quan, thủ trưởng nói trước cuộc họp, lãnh đạo nói trước “quốc dân đồng bào”, nhà khoa học thuyết minh công trình nghiên cứu, giảng viên lên lớp dạy học… đều là những tình huống cần có kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Điều đầu tiên cần nhớ khi học kỹ năng thuyết trình trước đám đông là công thức 5W-1H ( còn được gọi vui là 5 vợ – 1 chồng). 5W là viết tắt của 5 chữ tiếng Anh: Nói với ai (who), nói vấn đề gì (what), nói ở đâu (where), nói khi nào (when), nói để làm gì (what for). 1H là viết tắt của chữ How ( nói như thế nào). Tất cả 6 câu hỏi này đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sợ nhất là nói nhầm đối tượng, sai mục đích, lẫn chủ đề, lúc nào và ở đâu cũng nói cùng một kiểu.

Nói với ai là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Đối tượng người nghe là những ai, tuổi tác ra sao, trình độ văn hoá, nhận thức thế nào, địa vị của họ so với người nói ra sao, sự từng trải của họ có gì cần chú ý, vấn đề gì là vấn đề nhạy cảm với họ, họ có muốn nghe hay “bị bắt nghe”… đều là những điều cần quan tâm. Không biết phân tích đối tượng người nghe, dễ rơi vào tình trạng “múa rìu qua mắt thợ”, “nói như dạy đời”, hay “tra tấn người nghe”.

Người nói đừng quên nghiên cứu kỹ nội dung mình sẽ nói. Tốt nhất đừng nói những điều mình không biết, không rành. Tuỳ mục đích của cuộc nói chuyện mà điều chỉnh hình thức nói khác nhau. Nói “góp vui” phải khác với “thuyết phục”. Nói để “tác động tình cảm” phải khác với “bào chữa, bênh vực”.

Thuyết trình không có nghĩa là nói như bắn súng liên thanh. Điều chỉnh giọng nói sao cho khi hào hứng, có lúc trầm xuống, lắng đọng. Thuyết trình cũng không phải là đứng chôn chân một chỗ, nhưng cũng không phải “chạy ngược chạy xuôi” trong phòng. Chớ có nhìn chằm chằm vào một đối tượng hay một nhóm đối tượng nào đó, mà phải biết bao quát, quan sát phản ứng của cả đám đông. Hãy biết dừng lại, đặt những câu hỏi cho người nghe để lấy thông tin phản hồi, buộc người nghe phải có phút giây “động não”.

Một điều rất quan trọng là phải biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp. Vung chân, khoa tay, chỉ trỏ vào người này người khác, uốn éo, lắc lư người, nhún nhảy trên bục thuyết trình, gật đầu, nghẹo cổ, tự vỗ tay…đều phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh lạm dụng. Biến mình thành “con rối” là không nên.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng người nghe rất chú ý và ấn tượng với “khúc đầu, khúc cuối”. Vì vậy, người thuyết trình giỏi là người biết mở đầu ấn tượng, thuyết trình có lôgic và kết thúc hấp dẫn. Đừng quên “đầu xuôi thì đuôi lọt”.

Đương link trên Youtube về kỹ năng mếm: https://www.youtube.com/watch?v=YTOwbieJTiw

Nguồn : http://dinhdoan.net/ky-nang-noi-truoc-dam-dong-public-speaking-skill.html