Bí quyết học ngoại ngữ của dịch giả "Sông Đông Êm Đềm"

(TPCN) - Với gần 1 vạn trang sách in (gồm cả dịch mới và tái bản) trong những năm qua có lẽ dịch giả Nguyễn Thụy Ứng đoạt giải quán quân trong làng viết.

Nguyễn Thụy Ứng là người say mê và biết tận dụng công nghệ mới

Việc ông lấy đâu ra thời gian để học một lô ngoại ngữ và giữ được sức làm việc ở cường độ cao như vậy, chắc không phải chỉ là thắc mắc của riêng tôi.

“Ông kể chuyện dịch Sông Đông êm đềm đi”

“Bấy giờ mình vừa xuất bản xong Những mẩu chuyện nước ý của Maxim Gorki. NXB mời đến, nói, hiện nay có Sông Đông êm đềm ((SĐÊĐ) và Chiến tranh và Hòa bình, tùy anh chọn.

Mình chọn Sông Đông. Đầu tiên mình bỏ ra 3 tháng để nghiên cứu lịch sử chiến tranh, lịch sử vùng Sông Đông và đặc biệt là ngôn ngữ Solokhov. Sau đó dịch một mạch, 10 tháng thì xong.

Sau này có người ngạc nhiên vì sao tiếng Bạch Nga, tiếng Tarta, rồi tên cây cỏ, chim chóc mình đều dịch được hết. Lại có người nói mình bịa! Nhưng mình bảo, hãy cầu Chúa cho bịa nổi như thế !

“Tôi rất sung sướng thấy mình đã ở cái tuổi 79 mà còn có thể sửa chữa chế bản cho lần xuất bản thứ 6 của “Sông Đông êm đềm”.

Tôi làm việc này vì chỉ muốn bạn đọc thoải mái hơn khi lời văn giữ được tính chính xác, trong sáng, gọn gàng, cùng cái thần tình của tiếng Việt chúng ta, một thứ tiếng giản dị lạ lùng, trong đó các từ hoàn toàn không có phụ đầu biễn vĩ, danh từ không có giống đực, giống cái, giống trung tính, số nhiều, số ít, động từ không biến theo thời, thái, tính từ không có thể so sánh, thể tối cao, thậm chí các hư từ như giới từ, liên từ cũng rất ít dùng, thế mà vẫn phản ánh trọn vẹn tất cả các khái niệm, phạm trù, và quan hệ lô gích cần thiết, đảm bảo đầy đủ hiệu quả thông tin để tất cả các thế hệ dân tộc ta trong mấy chục thế kỷ có thể cùng nhau bàn bạc làm ăn, nuôi dạy con cái, xây dựng và gìn giữ đất nước, lại có đủ tính khoa học để viết về tất cả các môn khoa học chính xác, đủ chất thơ để nuôi dưỡng tâm hồn toàn dân hoàn thành những sự nghiệp đòi hỏi một nghị lực và óc tưởng tượng phi thường...” (trích Lời người dịch).

Đọc những dòng này có thể thấy, ngoài giỏi ngoại ngữ, Nguyễn Thụy Ứng còn là một chuyên gia uyên thâm tiếng Việt. Thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng văn chương Việt Nam sở dĩ khó cất cánh được bởi đa phần các nhà văn ta dốt ngoại ngữ.

Cũng có ý kiến phản bác lại, trong số những người giỏi ngoại ngữ thử hỏi ai văn thật hay? Ông Nguyễn Huy Thiệp có giỏi ngoại ngữ đâu? Xem ra cả hai ý kiến đều chưa thật thuyết phục. Vấn đề có lẽ là ở chỗ, phải nắm được cái thần tình của tiếng Việt.

“Ông học tiếng Nga từ bao giờ ?”

“Năm 1946 mình mới bắt đầu học ở khoa xã chính, trường ĐH Hà Nội. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cùng nhiều bộ trưởng khác làm thầy giáo, thêm một chuyên gia người Nga tên là Bretnev. Học được 3 tháng thì vào bộ đội.

Tất cả chỉ có thế. Năm 1952, ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (bấy giờ đóng bên Trung Quốc), tướng Lê Thiết Hùng, khi ấy là hiệu trưởng, nói: Lệnh Bác Hồ chuẩn bị tổng phản công. Cậu dịch ngay “10 cú đấm thép của Stalin” để làm tài liệu.

Mình báo cáo, tôi mới học tiếng Nga có 3 tháng... Ông Lê Thiết Hùng cắt ngang: vẫn còn hơn người ta không học, tài liệu cần lắm, lệnh : dịch ! Mình học tắt ngữ pháp, ôm cuốn từ điển Nga-Trung, dịch cật lực trong 2 tháng thì xong.

Lúc nộp “ống quyển” ông Hùng bảo : “-Thế này mà nói chưa biết tiếng Nga!”. mình trả lời : “Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tiếng Nga đâu!”.

“Vậy bí quyết là ở đâu ?”

“Cái chính không phải học, mà là làm việc. Học trong khi làm việc”.

Nguyễn Thụy Ứng làm việc về đêm nên không mấy khi tiếp khách buổi sáng, hay ít nhất là trước 11h sáng. Ông ngủ.

Tôi ướm : “Ví thử cháu muốn đến chơi, lúc nào thì tiện?”. Đáp : “Sau giờ hành chính và trước 3 giờ sáng”. Mùa hè, ông thường cởi trần, phô thân hình một vị La hán tu dòng khổ hạnh.

Thấy tôi có vẻ thắc mắc, ông giải thích : “Người ta chỉ thở 30% bằng phổi, còn 70% bằng da. Mình đang thở”. Sau này tôi mới biết ông bị ho hàng chục năm, nay vừa mới khỏi. Công phu “hàm mô công” mà ông áp dụng là thật, hay chỉ là một cách nói đùa ?

“Ông học tiếng Trung như thế nào?”.

“Hồi nhỏ, bố mình có dạy một ít chữ Hán. Năm lên 9, thi sơ học yếu lược, đỗ cả 3 bằng tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Pháp. Về sau khi ta mở lớp Hoa văn đầu tiên (1949) mình học 4 tháng rưỡi, hết”.

Thế nhưng tiếng Trung ông dịch rất nhiều, chiếm tới một nửa sự nghiệp dịch. Ông có mục đích riêng là để người VN hiểu thật nhiều về người Trung Quốc.

Tiếng Nga ngoài SĐÊĐ, ông dịch Gorki, Ostrovski, Pauxtopxki, Tvardovski,... khoảng 25% sự nghiệp của ông. Tiếng Pháp ông dịch Louis Aragon, tiếng Anh dịch một số truyện ngắn, truyện dài, tiếng Tây Ban Nha dịch tác phẩm lý luận “Văn học kết cấu”, tiếng Thụy Điển dịch một số truyện ngắn, chưa kể tiếng Đức, tiếng ý, tiếng Nhật...

Khi ông còn học trung học, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Việt là ngoại ngữ thứ hai, tiếng Pháp là tiếng “mẹ đẻ”.

Thời mới mở cửa, ông ở nhà dịch tiếng Anh thuê, “kiếm được khối tiền”. Đừng nghĩ ông là người lơ mơ trước cuộc đời. Ông thường nhấn mạnh tính hiệu quả khi làm việc.

Ông hỏi tôi : “Cậu có tin, mình chỉ nói hai tiếng mà được 30 triệu không?”. Tôi nghe không ra, hỏi lại : “Như vậy mỗi giờ gần 1.000 đôla ?”. “Không phải. Đầu tiên có một NXB gọi đến xin tái bản SĐÊĐ, in 500 bộ, tức là được 15 triệu nhuận bút. Mình nói: “Chẳng bõ !” Ba ngày sau, một NXB khác gọi đến, xin in 1.000 bộ, nhuận bút gấp đôi. Thế có phải là nói hai tiếng “chẳng bõ” mà được 30 triệu không?” Ông cười khà khà.

Tôi ngạc nhiên khi biết ông chưa phải là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. “Hội có mời mấy lần. Nhưng mình biết mình là cái anh vô tổ chức, nên không vào!”.

Trong số những dịch giả hàng đầu, ngoài ông, còn có Dương Tường không vào Hội nhà văn.

Thời bây giờ, hầu như ai cũng có nhu cầu biết ngoại ngữ, nhưng luôn lúng túng về cách học ngoại ngữ. Tôi hỏi : “Ông có bí quyết gì để học giỏi ngoại ngữ không?”.

“Tề Bạch Thạch nói : Ngã thư ý tạo bản vô pháp. Mỗi một bức tranh phải tìm ra một phương pháp vẽ, vẽ xong lại tìm ra một phương pháp mới.” Ông lấy một tờ giấy trắng, viết những dòng vững chãi và dạy tôi đọc: “Caminante, no hay camino ! El camino se hace al andar” (Đầu tiên nào có đường ! Cứ đi thì sẽ thành đường). Đây là câu thơ của Antonio Machado (1875-1939), một trong những nhà thơ Tây Ban Nha xuất sắc nhất đầu thế kỷ XX.

- Và đây cũng là phương châm cả cuộc đời của mình. Mình sống như thế này đây, và cứ thế mà sống. Vừa học vừa dịch tiếng Tây Ban Nha vì mình thích Che Guevara và cô diễn viên ý Gina Lolobrigida trong phim Thằng gù trong nhà thờ Đức Bà.

Không biết máy vi tính, cứ mua về rồi sẽ biết dùng. Không phải cái gì cũng đòi học, mà cứ làm thì sẽ biết. Có những người cả đời chỉ viết vài bài, làm vài việc, sáng tác vài câu thơ, thế nhưng gặp người khác lại cứ tự khoái mãi! Sống là lao động và không ngừng suy nghĩ. Mình thích những cái kỳ cục, những cái mới, thích sống cuộc đời của mình, theo cách của mình...

Ngoài dịch, Nguyễn Thụy Ứng còn để ý đến nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, mỹ thuật, giải phẫu... và không thỏa mãn với bất cứ cái gì.

“Như thế thì sẽ phải trả giá đấy ạ?”. Tôi bạo gan bình luận.

“Nhưng cũng đáng sống, phải không anh bạn trẻ?”.

Tính tổng cộng, đến nay Nguyễn Thụy Ứng đã dịch và in khoảng 200 bộ sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Lời nói với việc làm, rõ ràng là tương xứng.

Sức và cường độ làm việc ghê gớm của một dịch giả đã ở tuổi 80 ! Ông ngồi viết trong căn phòng luôn bề bộn giấy tờ, trên tầng 2 một ngôi nhà có phòng khách khá nhỏ ở ngõ Hội Vũ, độc hành cùng trang giấy và đầy kiêu hãnh.

Trước khi tôi ra về, ông thì thầm, vẻ bí mật : “Khi chúng ta nói chuyện, có người thứ ba đang nghe đấy. Đó là con mèo, nó nằm trong gậm giường. Khách về, nó lại ra ngồi chơi với mình”.