10 Bí quyết cho tân sinh viên

Làm sao để vượt qua những bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu khi bước chân qua cánh cửa trường Đại học mơ ước. Dễ ợt! Bạn chỉ cần:

  • Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt đầu khóa. Đây là thời điểm rất quan trọng để các bạn tân sinh viên có thể thích nghi dần với môi trường Đại học. Có cơ hội để làm quen nhiều bạn mới, qua đó chúng ta sẽ có điều kiện biết nhau trước, hiểu ý nhau và thuận lợi cho việc tạo nhóm học tập sau này. Giờ giải lao hoặc nghỉ trưa của những buổi sinh hoạt này, bạn cũng nên tranh thủ tham quan khuôn viên trường, biết phòng nào ở đâu, đi thang bộ hay thang máy như thế nào, việc này sẽ giúp ta tiết kiệm thời gian khi bắt đầu nhập học chính thức với tờ thời khóa biểu trên tay mà phòng học rải ở các tầng học ở trường đấy.
  • Cố gắng làm quen càng nhiều bạn càng tốt trong thời gian Định hướng ban đầu (nhiều trường có đợt học chính trị đầu năm), xin số điện thoại và thông tin liên lạc này, hỏi han về sở thích, dự định này, lập được nhóm nữa thì quá tốt. Nếu bạn không tham gia được một ngày sinh hoạt chính trị đầu khóa thì vẫn luôn được cập nhật thông tin từ bạn bè của mình, đỡ phải lo ngay ngáy mình sẽ mất 1 điều gì đó quan trọng!
  • Các anh chị sinh viên khóa trên cũng rất sẵn lòng kết bạn và giúp đỡ các bạn năm nhất mới vào trường, bạn hãy tự tin bắt chuyện với bất cứ ai bạn gặp, hỏi han thông tin về trường và xin những lời khuyên về kinh nghiệm học tập, tham gia hoạt động của các anh chị.
  • Thường xuyên xem thông báo trên các bảng tin được dán ở trường, và duy trì thói quen này suốt những năm đại học. Hầu như tất cả những thông báo quan trọng đều được cập nhật hàng ngày như Thông báo về Thời Khóa Biểu, đổi phòng học, lịch thi, hội thảo, đăng kí môn học, điểm thi,… Sẽ có những trường hợp mà thông báo chỉ được dán sát ngày sự kiện xảy ra, nên để an toàn bạn nên xem Thông báo vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều.
  • Đi học đúng giờ – Tham gia đầy đủ các buổi học. Đi học trễ không những làm gián đoạn bài giảng của thầy cô, việc tiếp thu bài học của các bạn khác mà còn dễ hình thành thói quen đi trễ trong ta , sẽ rất khó sửa trong các kì thi sau này.
  • Sau khi nhận được thời Khóa biểu môn học, cố gắng ghi nhớ thời gian địa điểm phòng học để không phải kiểm tra lịch học hàng ngày, tìm xem những ai có TKB giống mình để cùng nhau bàn phương thức học tập. Trong Thời Khóa Biểu cũng có ghi Giảng viên giảng dạy môn học, tranh thủ hỏi han anh chị, bạn bè mình về phong cách của thầy cô để có sự chuẩn bị tốt nhất.
  • Tập cho mình thói quen đọc sách, sách văn học cũng được, cũng có thể là các quyển sách bổ sung kiến thức hoặc kỹ năng chuyên ngành. Để tiết kiệm thời gian, bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian đọc sách ở nhà. Dùng phương pháp “skim and scan” để tiết kiệm thời gian. Đầu tiên là đọc sơ để nắm nội dung bài, sau đó lướt qua phần nội dung ở đầu mỗi chương và phần tổng kết ở cuối chương.Bạn cũng nên sắm cho mình vài cây bút highlight để đọc sách hiệu quả hơn. Màu cam cho ý chính, màu vàng cho ý bổ sung và màu xanh cho những ý mà ta tâm đắc. Quyển sách đầy màu sắc nhưng khoa học cũng sẽ giúp bạn ôn tập cuối kì hiệu quả hơn
  • Tham gia sinh hoạt tại một câu lạc bộ đội nhóm và phong trào tình nguyện như “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”… Ở các trường đại học – cao đẳng thường có rất nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm đang hoạt động. Bạn hãy nhanh chân, chủ động tìm kiếm cho mình một vị trí, một cơ hội để được được gặp gỡ nhiều bạn trẻ, năng động hơn, hòa mình hơn và nhất là qua những lần tham gia này, bạn cũng sẽ có thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
  • Khoảng thời gian nghỉ trưa, bạn nên tranh thủ chợp mắt một tí để lấy sức chuẩn bị cho buổi học chiều. Các phòng học đa số đều mở cửa vào giờ trưa. Sau khi ăn trưa xong , rủ cả nhóm bạn vào 1 phòng, đánh một giấc, vừa ko lo mình bị ngủ quên vừa tăng thêm tình hữu nghị giữa bạn bè trong lớp.
  • Điều cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng chúng ta đã là sinh viên Đại học. Hãy tự trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết và sẵn sàng đương đầu với những thữ thách mới. Bình tĩnh tự mình giải quyết mọi vấn đề, có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô, gia đình nếu cần thiết. Bằng những bước đi đầu tiên tuy còn khập khiễng nơi giảng đường này, bạn sẽ có những bước đi vững chắc hơn khi ra biển lớn

Khoa Ngoại ngữ sưu tầm.