Về vấn đề phát triển ngoại ngữ chuyên ngành trong quá trình hội nhập quốc tế

Ngoại ngữ chuyên ngành như "chiếc cầu nối" kinh tế và văn hóa Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Nội dung

Ngoại ngữ - ngôn ngữ nước ngoài - chuyên ngành ngày càng được nhắc tới như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế là Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình này, vấn đề đặt ra là ngành giáo dục và đào tạo cần có những đổi mới cơ bản và mạnh mẽ nhằm cung cấp cho đất nước những con người lao động có chuyên môn và hiệu quả cao trong hoàn cảnh mới. Việc dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành ở bậc đại học và sau đại học cũng không nằm mgoài mục tiêu trên. Ngoại ngữ chuyên ngành như "chiếc cầu nối" kinh tế và văn hóa Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Thế giới đang bước vào thời kì kinh tế tri thức. Xã hội mới phồn vinh ở thế kỉ XXI phải là một xã hội của tri thức và dựa vào tri thức, vào tư duy sáng tạo của con người. Để có thể vươn lên hội nhập vào cộng đồng thế giới, chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, đồng thời cần biết áp dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo, tìm ra được phương thức phát triển phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Khi tri thức xã hội thay đổi nhanh chóng theo nền kinh tế tri thức thì người lao động cũng phải biết tự đổi mới kiến thức và năng lực của mình cho phù hợp với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ. Người lao động phải có khả năng tự định hướng và tự vươn lên để thích ứng với đòi hỏi mới của xã hội. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi đề cập đến các vấn đề cơ bản hiện nay của ngoại ngữ chuyên ngành nói chung, ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ nói riêng trong việc phát triển và nâng cao hiệu quả dạy - học để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập ở Việt Nam hiện nay.

Giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành - loại hình người lao động trong lĩnh vực đặc thù của xã hội - ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc của người lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội là con người có trình độ ngôn ngữ nước ngoài theo các chuyên ngành nhất định về khoa học kĩ thuật và công nghệ ở bậc đại học và sau đại học, có các kĩ năng sử dụng tốt và sáng tạo ngoại ngữ đã được học để có thể đáp ứng được các yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ hội nhập, còn phải làm nhiệm vụ "cầu nối" kiến thức và văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới thông qua việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo lĩnh vực của người giảng viên - người lao động.

Một điều dễ dàng nhận thấy khi chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa đầu tiên của thế kỉ XXI là sinh viên khối kĩ thuật và công nghệ ở Việt Nam từ Bắc vào Nam, tư miền xuôi đến miền ngược được tiếp xúc hàng ngày với thông tin cập nhật, với khoa học kĩ thuật và công nghệ đang biến đổi rất nhanh chóng cùng với sự hiện diện của các ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh với hàng loạt thuật ngữ khoa học, với cách diễn đạt rất đa dạng trong các lĩnh vực khoa học kĩ thuật và công nghệ theo phong cách khoa học và phong cách chức năng khoa học kĩ thuật và công nghệ. Như vậy, vai trò của ngoại ngữ chuyên ngành và giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành trong giai đoạn hiện nay là vô cùng to lớn và mang tính chất quyết định chất lượng của quá trình hội nhập quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học nói chung, ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ nói riêng, theo chúng tôi, phải giải quyết đồng bộ rất nhiều mặt có liên quan đến giáo dục. Về phương diện đào tạo, phương pháp giáo dục, công nghệ dạy và học, nghị quyết TW2 của Đảng đã nêu rõ: "Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục và đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy và học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học." Trên cơ sở mục tiêu đã nêu trên, chúng ta thấy rằng việc dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành có thể được tiến hành theo tiến trình sau.

Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành thông qua hoạt động của người học và trên cơ sở thực tế xã hội.

Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành là một loại hoạt động đặc thù của con người, nghĩa là cũng bao gồm các thành tố có quan hệ và tác động đến nhau: động cơ, mục đích, điều kiện và hoạt động, hành động, thao tác. Như vậy, muốn thỏa mãn động cơ đề ra, phải thực hiện lần lượt các hành động cụ thể để đạt được mục đích cụ thể. Trong quá trình dạy và học, kết quả của việc học tập phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động học của người học. Vì vậy, nhiệm vụ chính của giáo viên là tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người học để thông qua hoạt động học của mình, người học có thể lĩnh hội được các kĩ thuật cần thiết để phục vụ cho công việc của họ sau khi nhận việc. Ngôn ngữ kĩ thuật có những đặc thù theo từng chuyên ngành rộng và hẹp. Vì vậy, muốn tổ chức, hướng dẫn tốt hoạt động học tập ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ của người học mà thực chất là hoạt động nhận thức ngoại ngữ và các phương pháp thể hiện sáng tạo ngôn ngữ được học, giảng viên cần nắm được qui luật chung của quá trình nhận thức một khoa học, cơ chế sinh lí của hoạt động ngôn ngữ, động cơ và mục đích của việc học ngoại ngữ, các kĩ xảo và kĩ năng giao tiếp. Đối với việc dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ ở bậc đại học và sau đại học, trí nhớ thuật ngữ khoa học và sử dụng sáng tạo chúng trong các văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Quá trình duy trì và phát triển trí nhớ, tư duy ngôn ngữ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành.

Môi trường của người học ngoại ngữ chuyên ngành hiện nay là môi trường sống động của nền kinh tế tri thức với động lực là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ, với giao lưu hội nhập quốc tế nên giảng viên dạy ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ cũng cần nắm được kiến thức về khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại bằng tiếng Việt kĩ thuật và cả bằng ngoại ngữ được giảng dạy tại trường.

Với kiến thức về khoa học kĩ thuật và công nghệ bằng tiếng Việt và bằng ngôn ngữ nước ngoài cần thiết cho quá trình dạy và học của giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành, chúng tôi hi vọng chắc chắn rằng các bài học ngoại ngữ của người học sẽ hấp dẫn hơn, và hơn thế nữa, hoạt động lĩnh hội kiến thức khoa học kĩ thuật và công nghệ bằng ngoại ngữ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học trong việc đọc tài liệu, viết báo cáo khoa học, tham gia hội thảo về chuyên ngành và đặc biệt là viết luận văn tốt nghiệp và luận văn cao học về chuyên môn của người học. Cuối cùng, giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ cần nắm vững các phương pháp giảng dạy và đưa ra được các biện pháp để giúp người học thực hiện được mục tiêu đề ra, tự lực thực hiện hành động học của mình, đặc biệt trong môi trường xã hội không có giao tiếp hàng ngày bằng ngôn ngữ được học như hiện nay.

Vấn đề nhận thức ngoại ngữ chuyên ngành và các phương thức tiếp cận cơ bản

Để việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành trong quá trình Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đạt hiệu quả, chúng tôi đặt mục tiêu trong khuôn khổ bài báo đề cập đến một số vấn đề về cơ sở lí luận và thực tiễn của việc nhận thức ngoại ngữ chuyên ngành nói chung, của ngoại ngữ chuyên ngành khoa học nói chung, của ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ nói riêng hiện nay.

1. Qui luật chung của quá trình nhận thức

Quá trình nhận thức một ngôn ngữ là quá trình nhận thức khách quan. Theo tâm lí học hiện đại thì trong việc nhận thức thế giới, con người có thể đạt được các mức độ nhận thức khác nhau, ở mức độ thấp ban đầu, con người nhận thức theo cảm tính, ở mức độ cao, nhận thức của con người là nhận thức lí tính (tư duy), tức là trong tư duy của con người phản ánh thuộc tính bản chất bên trong của sự vật, các mối quan hệ có tính qui luật. Ở đây, con người thực hiện các thao tác phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa để rút ra các tính chất chủ yếu của đối tượng nhận thức và xây dựng thành khái niệm. Mỗi khái niệm được diễn đạt bằng một từ ngữ. Ngoài ra, sự nhận thức còn thực hiện các phép suy luận để rút ra những kết luận mới, dự đoán những hiện tượng mới trong thực tiễn. Do vậy, tư duy luôn có tính sáng tạo, nếu được rèn luyện và phát triển sẽ giúp con người cải tạo thế giới khách quan, phục vụ lợi ích của con người. Trên cơ sở qui luật chung của nhận thức, đối với mỗi ngành khoa học, quá trình nhận thức đều có các nét đặc thù, phụ thuộc vào đối tượng nhận thức cụ thể. Mỗi khoa học chỉ trở thành một khoa học thực sự khi nó có một hệ thống khái niệm rõ ràng và một phương pháp nghiên cứu có hiệu quả. Từ đây, chúng ta thấy rằng việc nhận thức bản chất của ngôn ngữ dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành như một khoa học đặt cơ sở vững chắc cho lí luận, làm nền tảng cho phương hướng giải quyết toàn bộ các vấn đề về dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ trong các trường kĩ thuật hiện nay.

2. Hoạt động nhận thức trong dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành

Chúng ta biết rằng hoạt động nhận thức của con người chỉ thực sự bắt đầu khi gặp phải mâu thuẫn giữa trình độ đang có và nhiệm vụ cần giải quyết mà các kiến thức, kĩ năng đang có là chưa đủ để giải quyết vấn đề. Để khắc phục mâu thuẫn, con người phải xây dựng kiến thức mới, phương pháp mới, kĩ năng mới. Trên thực tế, dạy và học nói chung, dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành nói riêng là hoạt động giải quyết vấn đề nhận thức của người dạy và người học. Quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành là quá trình liên tục giải quyết các vấn đề về dạy và học các môn học về ngoại ngữ chuyên ngành của chương trình đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành ở các trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học.

Để việc đào tạo sinh viên và học viên các trường đại học kĩ thuật có kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thời đại đạt hiệu quả, trong phần này, tác giả bài báo đề cập đến mối liên hệ giữa tiến trình giải quyết vấn đề trong khoa học, trong dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ và các phương thức giải quyết vấn đề trong quá trình dạy và học.

2.1. Tiến trình giải quyết vấn đề trong khoa học

Trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ cho sinh viên và học viên các trường đại học kĩ thuật, theo chúng tôi, cần thiết phải giới thiệu hoặc nhắc lại cho người học nắm được tiến trình giải quyết vấn đề trong khoa học và so sánh với phương pháp giải quyết vấn đề trong dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành để tìm những điểm chung và đặc thù. Tiến trình giải quyết vấn đề trong khoa học được tiến hành như sau:

  • Xác định nội dung, yêu cầu và điều kiện của vấn đề cần giải quyết;
  • Tổng quan các phương pháp giải quyết vấn đề đặt ra (nếu có) và điểm lại những vấn đề tương tự đang tồn tại;
  • Nếu vấn đề nêu lên đã có giải pháp thì liệt kê các giải pháp đã có và lựa chọn một giải pháp thích hợp với vấn đề được nêu;
  • Nếu chưa có, phải đề xuất giải pháp mới hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng kiến thức và phương tiện mới để giải quyết vấn đề đã nêu;
  • Thử nghiệm vào thực tế để đánh giá hiệu quả, bổ sung và hoàn thiện kết quả được công bố.

2.2. Đặc điểm giải quyết vấn đề của quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ.

Chúng ta có thể hình dung mối quan hệ giữa tiến trình giải quyết vấn đề trong khoa học và trong quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ được thể hiện ở các điểm sau:

  • Về động cơ, nhu cầu: Điểm giống nhau là vấn đề cần giải quyết đã tự xác định mục đích, nhu cầu. Tuy nhiên, sự khác nhau là ở chỗ, nhà khoa học tự nguyện đem hết sức mình để giải quyết bằng được vấn đề đặt ra, còn sinh viên chưa ở mức độ có ý thức tập trung cao độ và đem hết sức mình để giải quyết vấn đề học tập của bản thân;
  • Về năng lực giải quyết vấn đề: Khi chấp nhận giải quyết vấn đề, người giải quyết vấn đề đã có một trình độ kiến thức, kĩ năng kĩ xảo nhất định. Với cùng lượng thời gian, vấn đề được giải quyết ở mức độ và cấp độ khác nhau;
  • Về điều kiện làm việc: Nhà khoa học có trong tay hoặc phải tạo ra các điều kiện và cơ sở vật chất phù hợp để giải quyết vấn đề. Sinh viên học ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ chưa đủ điều kiện hoặc chỉ có thể đạt được các điều kiện ở mức độ thấp như sách giáo khoa, đài, băng ….

Trong môi trường khoa học kĩ thuật và công nghệ, người học có rất nhiều điều kiện thuận lợi để lĩnh hội kiến thức về ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ có hiệu quả nhất. Nhiệm vụ của người truyền đạt kiến thức - giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ - là đưa ra được các phương pháp phù hợp để người học có thể vận dụng sáng tạo vào quá trình học tập của mình.

3. Các phương thức giải quyết vấn đề cơ bản.

Phương thức giải quyết vấn đề theo kiến thức đã biết (bằng phương pháp diễn dịch, quy nạp, so sánh). Nếu áp dụng giải quyết vấn đề theo phương thức này thì việc tiếp nhận ngoại ngữ chuyên ngành khoa học kĩ thuật và công nghệ của người học sẽ đạt kết quả khi:

  • sử dụng ngôn ngữ kĩ thuật (tiếng Việt kĩ thuật và ngoại ngữ chuyên ngành) để giải quyết các bài học có liên quan đến khoa học kĩ thuật và công nghệ;
  • tiếp nhận các thuật ngữ kĩ thuật;
  • dịch thuật các văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ;
  • làm các bài tập, viết báo cáo khoa học trên cơ sở văn bản theo phong cách chức năng khoa học kĩ thuật và công nghệ;
  • định hướng nghiên cứu khoa học bằng ngôn ngữ phong cách khoa học.

Phương thức nghiên cứu, sáng tạo từng phần: Phương thức này được sử dụng khi nghiên cứu tài liệu mới, vấn đề mới. Ở đây, trực giác đóng vai trò quan trọng. Vấn đề đặt ra là người học cần được rèn luyện trực giác khoa học để dự đoán một câu trả lời, một giải pháp cho vấn đề đặt ra rồi tìm cách kiểm tra tính đúng đắn của dự đoán đó bằng thực nghiệm. Phương thức này là khả quan khi được thực hiện để áp dụng các thủ pháp trong quá trình dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành, trong việc xây dựng và dự đoán hệ thống thuật ngữ kĩ thuật, đặc biệt sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt trong nghiên cứu khoa học và trong các dự án mang tính chiến lược.

Phương thức sáng tạo tổng hợp: Kiến thức khoa học luôn được tiếp nhận và khái quát theo một trật tự (lôgích) nhất định. Sáng tạo tổng hợp trong khoa học giúp người học có thể dựa vào kiến thức đã có để tổ chức hoạt động nghiên cứu và dạy - học có hiệu quả.

Thực tế đã và đang chứng minh rằng ngoại ngữ chuyên ngành đã, đang và sẽ quyết định hiệu quả của tiến trình phát triển thành một xã hội công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Để đạt được kết quả khả quan trong việc lập chương trình tổng thể cho phát triển ngoại ngữ chuyên ngành như một yếu tố khách quan và cần thiết trong quá trình hội nhập, theo chúng tôi, cần có cơ chế và chính sách mang tính quốc gia cho phát triển ngoại ngữ chuyên ngành nói chung, cho ngoại ngữ chuyên ngành nói riêng.

Tài liệu tham khảo

1. A.A.Leontiev. Ngôn ngữ như một hiện tượng xã hội. Viện HLKH Nga, 1976.

2. Bùi Hiền. Phương pháp hiện đại dạy - học ngoại ngữ. Nxb.ĐHQG Hà Nội, 1999.

3. S.Sacovski. Xã hội hóa giao tiếp ngôn ngữ và các vấn đề về giảng dạy tiếng nước ngoài. Moscow, 1987.

4. Đào Hồng Thu. Phân bố chương trình tiếng Anh chuyên ngành công nghệ Hóa - Sinh - Môi trường trong quá trình đào tạo trình độ cử nhân tiếng Anh công nghệ - kĩ thuật. Báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học lần thứ 19, Đại học Bách Khoa Hà Nội, tháng 10 - 2001.

5. Đào Hồng Thu. Dạy và học ngoại ngữ ở môi trường không chuyên ngữ. Tạp chí khoa học và công nghệ 4 trường đại học, số 12 tháng 9/1996.

Bản quyền

Đào Hồng Thu

Tạp chí Nga ngữ học Việt Nam. Số 12, 2002.

http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Về_vấn_đề_phát_triển_ngoại_ngữ_chuyên_ngành_trong_quá_trình_hội_nhập_quốc_tế