Bí quyết săn học bổng trên mạng

Gần đây, báo chí đưa tin Nguyễn Thái Bình, chàng trai Huế 23 tuổi, người được mệnh danh là "vua" săn học bổng trên mạng sau khi giành được 7 suất học bổng có giá trị, trong đó có 4 suất học tiến sĩ ở Mỹ, Anh, Pháp...

Có thể nói, Bình là một điển hình cho xu hướng những người trẻ tuổi biết chủ động nắm lấy cơ hội mở mang tri thức nơi xứ người bằng cách khai thác hiệu quả nguồn thông tin du học từ Internet. Vần đề nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay là làm sao có thể tiếp cận những suất học bổng phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình giữa núi thông tin ngồn ngộn trên mạng.

Theo Tiến sĩ Đoàn Thị Thanh, Phó bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Khoa học nông nghiệp - Môi trường tại Hà Nội, người từng ba lần đoạt học bổng trên tiến sĩ (Postdoctorate) về chuyên ngành Công nghệ sinh học ở Đức, Bỉ và Hàn Quốc, để trở thành một người "thợ săn học bổng thiện xạ", bách phát bách trúng như Nguyễn Thái Bình, đôi khi không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ.

Tiến sĩ Thanh khuyên các bạn trẻ nếu có ý định săn học bổng, trước hết phải xác định ngành nghề mình muốn học và những yêu cầu của ngành học. Tiếp đó, bạn phải xem xét khả năng đáp ứng của bản thân đối với ngành học bạn theo đuổi. Liệu khả năng ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên môn của bạn có đủ độ tin cậy cần thiết để thuyết phục các trường chọn bạn? Thông thường, tùy vào cấp học, ngành học, các trường khác nhau tại những nước khác nhau có những mức độ yêu cầu khác nhau về các văn bằng và chứng chỉ ngoại ngữ.

Các bạn nên tìm hiểu chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu ngành tại các nước. Bởi lẽ, nếu nước nào ưu tiên phát triển những ngành nghề nhất định, có nhiều khả năng chính phủ nước đó sẽ cung cấp nhiều ưu đãi cho sinh viên theo học những ngành đã được ưu tiên. Ví dụ, những nước như Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan ở châu Âu hay Hàn Quốc ở châu Á rất quan tâm đến ngành môi trường nên tạo điều kiện rất tốt cho nhiều du học sinh nước ngoài đến học tập và nghiên cứu.

Với công cụ tìm kiếm thông dụng hiện nay như Google thì việc tìm kiếm trường nào, ở nước nào cung cấp nhiều học bổng cho phân ngành bạn chọn là không khó. Câu hỏi đặt ra: Nếu bạn tìm ra thông tin về những suất học bổng trên mạng, làm sao bạn biết chúng có đủ độ tin cậy? Không ít trường hợp, các "thợ săn" thất vọng não nề. Vì "con mồi" của họ chỉ là những hình nộm và bản thân họ cảm thấy mình bị "mắc bẫy" của những người đi-săn-các-thợ-săn.

Trường hợp các công ty tư vấn du học tung chiêu marketing, dụ bạn tới website của họ bằng những quảng cáo hấp dẫn về các cơ hội học bổng là hoàn toàn có khả năng. Bạn tưởng đâu mình tiết kiệm được một khoản học phí kha khá, ai ngờ phải è cổ trả những chi phí vô lý cho dịch vụ làm hồ sơ du học hay phải trả những mức chi phí cao khác cho trường ở nước ngoài.

Về vấn đề này, chị Trần Thu Hương, Phó giám đốc Cơ quan Giáo dục quốc tế Australia tại Việt Nam (AEI) khuyên bạn nên bắt đầu cuộc tìm kiếm học bổng của mình tại website chính thức của các trường đại học có uy tín hay các chương trình học bổng của các chính phủ (ví dụ như Ausaid, VEF, Fulbright).

Để thẩm định mức độ uy tín của trường rao học bổng, bạn nên vào các website cung cấp thông tin xếp hạng hay mức độ đạt chuẩn của các trường ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn, trang www.case.org.sg/ cung cấp danh sách các trường có chất lượng được công nhận bởi Hiệp hội Người tiêu dùng ở Singapore, hay các trang www.usnews.comwww.collegeboard.com có niêm yết bảng xếp hạng các trường tại Mỹ.

Bạn đừng bỏ qua website của các tổ chức nghề nghiệp hay các tổ chức xã hội, các tập đoàn như Microsoft, Ford, Coca Cola hay Toyota có nhiều học bổng rất hấp dẫn. Có thể chỉ là vacation scholarship (học bổng ngắn ngày) chỉ kéo dài trong khoảng 3-4 ngày hay có thể có chương trình postgradate research (chương trình nghiên cứu sâu tiến sĩ) kéo dài nhiều năm có hỗ trợ chi phí cho phép bạn tiến hành làm nghiên cứu khoa học.

Cũng rất nên ghé thăm những forum của các du học sinh, thậm chí nên đăng ký làm thành viên để có thể trao đổi dễ dàng và xin lời khuyên từ những người có kinh nghiệm. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, số lượng những forum của các lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Đây thực sự là nguồn thông tin bổ ích về văn hóa, lối sống, môi trường làm việc và học tập tại nước sở tại, đáng để những người đi săn học bổng ghé thăm. Ví dụ như trang www.vietabroader.org/forum của các du học sinh VN ở khắp nơi trên thế giới, www.moet322.org của cộng đồng lưu học sinh VN theo chương trình 322 của chính phủ. Trang http://www.vnkronline.net của cộng động người Việt ở Hàn Quốc cũng có forum thông tin du học, cập nhật đều đặn tin tức về các chương trình học bổng.

Sau khi xong phần thẩm định, bạn có thể yên tâm hoàn tất những việc chuẩn bị hồ sơ để xin học bổng. Theo Xuân Nguyên, một du học sinh đoạt học bổng MBA chuyên ngành Quản lý ở Đại học Missouri (Mỹ) cho biết những thủ tục để apply (đăng ký) một học bổng thường gồm sơ yếu lý lịch (CV), đơn xin học bổng (thường có theo form mẫu trên mạng), kèm với những chứng chỉ, văn bằng bắt buộc, thư giới thiệu có lời nhận xét từ thầy, cô của bạn ở Việt Nam và của người sử dụng lao động (nếu bạn đã đi làm).

Thông thường, nếu muốn học ở Mỹ, bạn cần có chứng chỉ TOEFL hay SAT, hoặc muốn học sau đại học cần phải có TOEFL và GRE hay GMAT tùy ngành. Nếu muốn xin học bổng ở cấp chương trình tiến sĩ hay sau tiến sĩ, bạn thường được yêu cầu phải có chuẩn bị thêm thông tin về các bài báo, hay công trình nghiên cứu do bạn thực hiện. Sau đó, bạn gửi hồ sơ qua đường bưu điện nếu trường yêu cầu các giấy tờ có chữ ký chứng thực.

Việc bạn có gặp khó khăn trong thủ tục xin visa hay không còn tùy thuộc vào mức độ uy tín của loại học bổng bạn giành được. Nếu bạn lấy học bổng từ các chương trình chính phủ như VEF hay Fulbright thì chuyện xin giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều. TS Đoàn Thị Thanh cho biết 8 người học trò của chị đã thành công trong việc xin visa đến Bỉ vỏn vẹn trong vòng từ 5 đến 7 ngày.

(Nguyen My - Suu tam tu http://ngoisao.net/news/du-hoc/2005/10/3b9b384a/)